Nhìn từ góc độ biến đổi khí hậu

Những ngày cuối tháng 9 vừa qua, nhân dân các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên lại đối mặt với một cơn bão có sức tàn phá lớn và trận lũ kinh hoàng trong lịch sử.

Theo thống kê chưa đầy đủ, bão số 9 và trận lũ lịch sử đã cướp đi hơn 163 người chết, 17 người mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn 3 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng, ước tính thiệt hại lên đến 800 triệu đô la.

Đây là một con số kinh hoàng dù chỉ ước đoán, nếu thống kê chi tiết, thiệt hại về người và tài sản chưa dừng lại ở những con số này. Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những biến đổi khí hậu và những quy tắc ứng xử của con người với thiên nhiên.

Theo đánh giá của ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Phạm Khôi Nguyên tại Diễn đàn giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu tổ chức ngày 7 tháng 10 năm 2009, Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và chịu tác động trực tiếp của ổ bão châu Á - Thái Bình Dương, một trong 5 ổ bão lớn của thế giới.




Nơi cơn bão đi qua.

Chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trong 5 năm qua, ở nước ta, trung bình mỗi năm thiên tai cướp đi mạng sống của gần 400 người, thiệt hại về tài sản ước tính từ 1 - 1,5% GDP. Riêng 9 tháng đầu năm 2009, thiên tai đã làm 292 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 24.000 tỉ đồng.

“VN sẽ chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m thì 90% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập trong mùa lũ, còn mùa khô 71% diện tích bị xâm nhập mặn...”. Nước ta là một trong 10 quốc gia có tần suất bị thiên tai cao nhất trên thế giới. Điều đó ai cũng thấy, vấn đề làm thế nào để thích ứng với biến đổi với biến đổi môi trường, giảm nhẹ được thiên tai từ góc độ hành xử giữa con người với môi trường tự nhiên.

Không còn quá sớm nếu chúng ta nêu lên vấn đề này. Những tổn thất bão lũ đã quá lớn, đặc biệt với người nông dân nói riêng và người nghèo nói chung. Nếu nhìn nhận một cách khách quan, sự khắc nghiệt của thiên nhiên một phần là hệ quả tất yếu từ thái độ đối xử với môi trường. Xin nêu ra một vài ví dụ ở các địa phương bị thiệt hại trong cơn bão lũ số 9.

1. Ở thành phố Đà Nẵng, trước kia hệ thống rừng phi lao phòng hộ chắn gió được trồng ven biển đến tận Hội An. Nhưng do nhu cầu mở đường và xây dựng các khu du lịch, resort, chẳng mấy chốc mà hàng chục hecta rừng này bị xóa sổ. Trong bão Sangsane năm 2006 và bão số 9 vừa qua mới thấy hậu quả từ việc phá rừng phòng hộ ven biển. Những con đường này bị sóng biển phá hủy. Con đường 5 sao biến thành bãi rác. Việc thiết kế để thích nghi với điều kiện thực tế chưa được quan tâm đúng mức. Còn đường Sơn Trà Điện Ngọc – Cửa Đại bị cát phủ đầy lên cả mét. Những resort 5 sao cũng bị tan tác theo gió bão. Việc lấn biển và hủy hoại hệ sinh thái rừng ven biển đã cho thấy hậu quả rõ ràng.

2. Còn ở Quảng Nam, bão số 9 chưa phải là cơn bão lớn nhất, và lượng mưa trung bình không phải là cao nhất. Tuy nhiên trận lũ sau bão được xem là lịch sử. Nhiều địa phương như Đại Lộc, Tam Kỳ, Điện Bàn… bị ngập chìm trong lũ; tốc độ lũ lên nhanh chư từng thấy, và đỉnh lũ cao hơn nhiều so với năm 1999. Lũ rút, cuộc sống bị xáo trộn, bùn non cao cả mét.

Vì sao lũ càng ngày càng hung hãn vậy, phải chăng do thiên nhiên giận dữ? Tất nhiên do con người. Rừng đầu nguồn Quảng Nam bao đời nay vẫn âm thầm bảo vệ người dân những hàng chục năm qua bị tàn phá để lấy gỗ, khai thác vàng sa khoáng hay phá rừng để trồng rừng và làm thủy điện... Các ngành chức năng Quảng Nam thì luôn có những báo cáo đầy khả quan là đã chặn đứng được tình trạng khai thác gỗ lậu nhưng thực tế qua cơn bão lũ đã “lòi mặt chuột”.


Lũ về trên sông Hàn

Hàng ngàn mét khối gỗ đã khai thác đúng quy cách trôi trên sông Vu Gia và mắc dưới chân cầu Quảng Huế tạo thành dòng sông gỗ. Người dân địa phươg đã huy động tất cả những phương tiện, nhân lực nhưng vẫn không khai thác hết dòng sông gỗ lậu này. Còn ở cửa biển Đà Nẵng, gỗ đã giăng kín những bãi biển, lộc rừng đã ban cho con người hay hậu họa của thiên nhiên đã đến?

3. Kon Tum tang tóc trong bão lũ. Chẳng mấy chốc mà nhiều làng của huyện Tumarông đã bị san bằng. Cơn lũ lớn có đã tàn phá khủng khiếp nhất trong vòng hàng trăm năm qua. Trước những thiệt hại to lớn đó, ông Hà Ban – Bí thư tỉnh ủy Kon Tum đã rút ra những bài học tuy muộn nhưng vẫn còn kịp lúc: Nguyên nhân là do rừng bị tàn phá. Để tránh lũ không còn cách nào khác là phải di dời người dân đến những nơi ở mới ổn định và hạn chế thấp nhất việc phá rừng…

Từ ba ví dụ trên cho thấy, bất chấp tất cả, con người tác động vào tự nhiên một cách thô bạo. Vì lợi ích trước mắt, con người xâm thực vào tự nhiên một cách quy mô, có tổ chức mà không nghĩ đến sự tái sinh hay cân bằng sinh thái. Chính vì vậy mà hậu quả là chúng ta đang đối mặt với những thách thức ngày càng lớn từ thiên nhiên. Không còn là dự báo mà hậu quả đã và đang đến với chúng ta.

Để hạn chế thảm họa của thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu, ngay từ bây giờ, chúng ta nên có những đánh giá nghiêm túc về những hậu quả do con người tác động vào tự nhiên. Qua đó có những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài để giải bài toán mang tính toàn cầu này.

Thiên tai luôn tiềm ẩn, vì vậy, thích ứng với biến đổi khí hậu là mục tiêu hàng đầu. Lấy những bài học trước mắt để giáo dục cho thế hệ sau nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường. Đã đến lúc phải xem thiên tai là vấn đề cấp bách; thích ứng với môi trường là vấn đề sống còn; phá hoại môi trường cũng là một tội ác cần phải lên án.

(Theo Vietnamnet)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++