Một phương pháp xử lý ô nhiễm thạch tín

Viện Công nghệ và Khoa học công nghiệp tiên tiến (AIST) của Nhật Bản vừa giới thiệu một phương pháp xử lý ô nhiễm hiệu quả đối với đất bị nhiễm thạch tín (arsenic, ký hiệu hoá học là As).

Viện AIST đã tiến hành thử nghiệm tác động của một loạt các loại dung môi hữu cơ và vô cơ đối với acid diphenylarsenic, công thức hoá học là (C6H5)2 AsOOH. Đây là thạch tín hữu cơ cực độc (có thể gây rối loạn tâm thần), không bị thoái hoá sinh học và có thể sản sinh ra các chất độc khác qua các biến thái hoá học và nhiệt.

Kết quả cho thấy, các loại cồn, đặc biệt là methanol, pha với khoảng 3 - 5% acid phosphoric, có thể trung hoà 100% thạch tín hữu cơ, ngay cả khi nồng độ thạch tín trong đất cao tới 3.570 mg/kg.

Acid phosphoric sẽ ngăn chặn sự liên kết giữa nhóm diphenylarsenic và thành phần của đất, đồng thời nhóm diphenylarsenic này sẽ bị cồn hòa tan. Sau đó, dung dịch cồn trên có thể được sử dụng tiếp để loại bỏ tối đa các loại chất thải độc hại.

Phương pháp khử độc này đã được áp dụng sau khi đất và mạch nước ngầm tại thành phố Kamisu (tỉnh Ibaraki, Nhật Bản) được phát hiện nhiễm thạch tín nghiêm trọng do hậu quả của việc sử dụng vũ khí hoá học thời chiến tranh.

Thạch tín có thể thâm nhập quá trình cấu thành các tổ hợp hữu cơ hay thẩm thấu vào mọi bề mặt có đất sét, chất kết tủa hay chất hữu cơ. Nồng độ của thạch tín trong các loại đá dao động từ 0,2 đến 15 ppm (một phần triệu, hay 1g/tấn).

Thạch tín hình thành từ sự thoái hoá của các loại đá và khoáng vật chứa nó, hay từ các hoạt động của con người như sử dụng thuốc diệt cỏ, các chất làm rụng lá, làm khô, phân bón… Các ngành công nghiệp và nông nghiệp cũng góp phần làm tăng lượng thạch tín tự nhiên trong đất lên 10 đến 20 lần.

Theo một báo cáo của FAO công bố tháng 6 vừa qua, mạch nước ngầm tại Bangladesh bị ô nhiễm thạch tín nghiêm trọng, ảnh hưởng cuộc sống của 30 triệu dân. Nồng độ As trong nước cao đến mức được WHO miêu tả là “sự đầu độc dân cư lớn nhất trong lịch sử”.

Sự ô nhiễm này không chỉ ảnh hưởng nguồn nước uống mà cả đối với sản xuất nông nghiệp, trong đó có các ruộng lúa. Nồng độ thạch tín trong hạt gạo của Bangladesh lên tới 1,8 ppm, trong khi mức độ này tại châu Âu và Mỹ chỉ là 0,05 ppm.

WHO cảnh báo việc dùng nước nhiễm thạch tín vượt quá 10 mg/l trong thời gian dài có thể dẫn tới một căn bệnh mãn tính về da, dẫn tới hoại thư và ung thư thận. Mức độ thạch tín trong nước uống cho phép tối đa là 0,01 mg/l.

Từ tháng 2.2004, UNESCO đã triển khai dự án lọc nước nhiễm thạch tín tại các vùng nông thôn của Bangladesh. Các bộ lọc này không dùng điện, thích hợp với các hộ gia đình và có thể giúp loại bỏ thạch tín trong 100 lít nước/ngày. UNESCO đang triển khai giai đoạn thử nghiệm thứ hai với 1.000 bộ lọc tại nước này.

(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++