Dự án kênh Quan Chánh Bố, những vấn đề cần làm rõ

 1. Tháng 5/2005, trong lần đi khảo sát thực địa dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố cùng với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lúc đó, đồng chí Đào Đình Bình, tôi đã bày tỏ sự ủng hộ có điều kiện đối với dự án: Công ty tư vấn làm rõ tính bền vững của luồng (cũng có nghĩa là tính khả thi) và các tác động đến môi trường của dự án, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và mức nước biển dâng. 

Theo tôi biết được, tính khả thi của dự án và tác động đến môi trường chưa được làm rõ là hai điều kiện tiên quyết khiến Ngân hàng Thế giới cũng như Quỹ Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của Chính phủ Canada từ chối cho vay để thực hiện dự án, ước tính khoảng 200 triệu USD. 

Báo cáo nghiên cứu khả thi do các công ty tư vấn (SNC Lavallin, rồi tiếp đến Portcoast) thiết lập, chưa làm rõ cửa của luồng trổ ra Biển Đông thuộc loại cửa sông nào, sẽ phát triển ra sao, tương tác giữa nó và quá trình vận chuyển bùn cát ven bờ. Vấn đề bồi lắng ở cửa Đại An và tác động đến địa mạo cửa Định An cũng cần được làm sáng tỏ. 

Quá trình phát triển của chín nhánh sông Cửu Long cũng là quá trình hình thành các cù lao, và các nhánh sông yếu bị thu hẹp và lấp cạn dần, như sông và cửa sông Ba Lai, sông và cửa Bassac,... Liệu “xẻ thịt” Đồng bằng Sông Cửu Long, mở ra một nhánh sông mới ở phía hạ lưu có cưỡng lại được quy luật tự nhiên ở vùng đất này hay không?

Mặt khác, phải tính toán thêm mùa gió chướng, đặc biệt khi gió chướng trùng hợp với triều cường, trường hợp bão, điều mà Báo cáo nghiên cứu khả thi chưa chú trọng, để trả lời liệu địa mạo của luồng, như thiết kế, có ổn định không trước những đột biến về nhập liệu (sóng, gió, bùn cát …) ở cửa sông.

Công ty tư vấn đã sử dụng mô hình toán để mô phỏng, nhưng theo các nhà khoa học am tường, các số liệu đầu vào, về vận chuyển bùn cát và bồi xói nói riêng, quá thiếu thốn, không đồng bộ, thời điểm không tương thích; đo một ngày để chạy cho cả tháng, cả năm; số liệu về độ mặn, về bùn cát sai, … khiến cho độ tin cậy của các kết quả không cao.

Những phân tích trên đây trùng hợp với nhận xét của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Bộ Tài nguyên và Môi trường (1).

Luồng qua Kênh Quan Chánh Bố, nếu có làm, phải tồn tại lâu dài. Rất tiếc, Báo cáo nghiên cứu khả thi đã không đưa yếu tố biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng vào tính toán. Thực tế cho thấy yêu cầu này ngày càng trở nên hiện thực và cấp thiết, và chính vì lẽ đó mà Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã quy định phải tích hợp hai yếu tố này vào mọi quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng cơ bản (2).

Cuối cùng, Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu dự án phải có báo cáo tác động môi trường được thẩm định trước khi được triển khai (3).

Tôi đã trình bày những nội dung trên đây tại cuộc hội nghị do Cục Hàng Hải tổ chức tại TP HCM ngày 24/11/2008. 

Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu qua Kênh Quan Chánh Bố gồm có 4 đoạn. Đoạn 1, dài 6 km dọc theo sông Hậu. Đoạn 2, Kênh Quan Chánh Bố, dài 19 km. Đoạn 3, dài 9 km, đào mới, cắt ngang Huyện Duyên Hải, trổ ra Biển Đông.Đoạn 4, dài 6 km, nối dài Kênh tắt thẳng ra Biển Đông. Tổng dự toán ban đầu (2005) là 200 triệu USD, nay đã tăng có thể đến 6.000 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự kiến 5 - 7 năm kể từ khi khởi công.

2. Ngày 30/4/2009, trước thực trạng xuất khẩu hàng hóa của Đồng bằng Sông Cửu Long bằng đường biển ngày càng gặp khó khăn do cửa Định An bị bồi lắng và chậm được nạo vét, ngành không chấp hành đúng Quyết định 344/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tôi đã có văn thư gửi Bộ Bộ Giao thông - Vận tải, trong đó có nhắc lại các nội dung cần làm rõ trong dự án luồng qua Kênh Quan Chánh Bố.

Trong công văn số 4538/BGTVT-KHĐT, ngày 6/7/2009, Bộ Bộ Giao thông - Vận tải đã thông báo cho chúng tôi rằng: 

(a) Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đang do UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt và tổ chức thực hiện (4); 

(b) “Hiện nay Bộ Giao thông - Vận tải đang chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các gói thầu tư vấn, khảo sát lập thiết kế kỹ thuật. Dự kiến hoàn thành công tác thiết kế trong Quý III/2009 và khởi công một gói thầu xây lắp đầu tiên vào tháng 12/2009”;

(c) “Bộ Bộ Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam trước khi khởi công, dự án phải được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết. Cục Hàng hải Việt Nam đang thực hiện theo pháp luật về bảo vệ môi trường. Dự kiến hoàn thành Báo cáo đánh giá tác động môi trường trong quý III/2009”.

Có hai điều đáng quan tâm trong công văn trả lời. Một là công văn không đề cập đến các nội dung liên quan đến tính bền vững của luồng, các tác động đến môi trường của dự án, và tác động của biến đổi khí hậu và mức nước biển dâng lên dự án đã được làm sáng tỏ thêm như thế nào. 

Trong khi đó nhà đầu tư (Cục Hàng hải) và các công ty tư vấn lại khẩn trương triển khai thực hiện các gói thầu tư vấn, khảo sát lập thiết kế kỹ thuật! Hai là Báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa biết khi nào mới trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để được thẩm định.

3. Ngày 23/12/2009, tôi nhận được từ Bộ Bộ Giao thông - Vận tải, Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án và Quyết định số 3153/QĐ-BGTVT, ngày 29/10/2009, của Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt Báo cáo này. Báo cáo dày 266 trang có kèm theo hai Phụ lục.

Dự án sẽ nạo vét, đào và di chuyển 16.325.605 m3 bùn đất đến 11 khu tập kết (5) rộng 885,31 ha. Đây là một sự xáo trộn khá lớn môi trường tự nhiên và xã hội. Thế nhưng Báo cáo đánh giá tác động môi trường đề cập chưa đủ sâu về tác động qua lại giữa kênh đào và môi trường. 

Việc bố trí 11 khu tập kết, theo quy chuẩn nào cần được lý giải vì vị trí của chúng cũng có ảnh hưởng đến môi trường. Mặt khác, không rõ sau này lượng bùn cát nạo vét hàng năm sẽ được di chuyển đến đâu! 

Cũng về mặt nội dung, Báo cáo đánh giá tác động môi trường vẫn chưa làm sáng tỏ hơn về tính bền vững của luồng, vẫn thiếu những tính toán trong mùa gió chướng và khi có triều cường, vẫn cho rằng lắng đọng phù sa là không đáng kể (6) và nhất là không hề đề cập đến việc tích hợp tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đối với dự án và các công trình.

Có lẽ vì những điểm yếu trên đây mà, đứng về mặt hành chính, chủ đầu tư và bộ chủ quản đã chọn con đường “khép kín” trong Bộ. Bộ GTVT đã dành cho mình thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, cho dù tác động đến môi trường của dự án, mở một luồng mới vào sông Hậu, vượt quá ranh giới của tỉnh Trà Vinh.  

4. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, Việt Nam còn phải đối phó với không ít khó khăn, nguy cơ lạm phát tăng cao vẫn còn đó, xu hướng bảo hộ mậu dịch và những bất trắc khó lường từ bên ngoài, đầu tư từ ngân sách nhà nước hàng năm sáu nghìn tỷ đồng cần được cân nhắc kỹ hơn bao giờ hết.

Thêm vào đó, trước những thách thức của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, hai yếu tố sẽ tác động mạnh mẽ lên Đồng bằng Sông Cửu Long trong thời gian tới đây, và trước tiên lên đường bờ biển và vùng duyên hải (7), thiết nghĩ chủ đầu tư Dự án luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố phải làm rõ tính khả thi của dự án và không thể thoái thác sự tích hợp đầy đủ hai yếu tố này vào dự án trước khi triển khai.

1. Công văn số 346/BKH/KCHT&ĐT ngày 16/01/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc lại các văn bản số 2021/BKH-TĐ&GSĐT ngày 28/3/2006, và số 8465/BKH-TĐ&GSĐT ngày 15/11/2006 của Bộ này; công văn số 4443/BTNMT-TĐ, ngày 11/11/2005, công văn số 4157/BTNMT-TĐ, ngày 27/9/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008, thành lập Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu
3. Theo công văn số 3382/BTN-TĐ ngày 04/9/2007, “Cho đến nay chủ dự án chưa trình báo cáo ĐTM chi tiết”.
4. Tổng diện tích đất bồi thường là 3.326.212 m2, tổng số hộ được bồi thường 773 hộ, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư: 151.098.897.577 đồng.
5. Theo tôi, không nên gọi là “bãi thải” như báo cáo đã dùng, vì ở đây không có gì là thải cả.
6. Trong lúc dự án dành hàng năm một khoảng kinh phí để nạo vét là 1 triệu USD, cao hơn kinh phí nạo vét hàng năm của luồng Định An thiên nhiên!
7. Cần nhắc lại rằng ĐBSCL là một trong năm châu thổ trên thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất.

 

(Theo Báo Đất Việt)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++