Hiện nay ở nước ta, lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) quá hạn sử dụng đang tồn đọng ở các địa phương rất nhiều mà chưa có cách xử lý phù hợp. Nhiều địa phương đã đem chôn dưới đất, song cách làm này rất nguy hiểm, có thể coi như những “quả bom nổ chậm”, sẵn sàng “bể” ra, ngấm vào nước ngầm và thâm nhập cơ thể người.
Trước tình hình trên, GS-TSKH Trần Mạnh Trí, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Hóa học và môi trường (ECHEMTECH) - Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật VN, đã nghiên cứu một giải pháp mới, đó là tiêu hủy thuốc BVTV không đốt, chi phí xử lý rẻ hơn cách dùng lò đốt đến 50-60%.
Chu kỳ khép kín
Dựa trên đặc tính chung của các loại thuốc BVTV là tan được trong nước, GS-TSKH Trần Mạnh Trí dùng nước để pha loãng thuốc đến nồng độ cần thiết, sau đó đưa vào xử lý nước chứa thuốc BVTV này. Quá trình xử lý thực hiện trong nước tuần hoàn tạo thành một vòng lưu chuyển tuần hoàn, điểm đầu là nước chứa thuốc BVTV cần tiêu hủy, điểm cuối là nước đã xử lý sạch. Từ đây, lấy chính nước đã xử lý đem hòa tan thuốc BVTV mới để tiếp tục quá trình. Vì thế hiệu quả xử lý cao và rất an toàn, nước sau khi xử lý được sử dụng lại để bổ sung vào quá trình tạo thành chu trình khép kín chứ không hề thải ra ngoài, không gây hại cho môi trường.
Trong quá trình xử lý, GS Trí đã áp dụng kỹ thuật tích hợp các quá trình phân hủy sinh học và hóa học một cách chặt chẽ nhằm để các quá trình hỗ trợ lẫn nhau và tạo điều kiện cho quá trình tiếp sau xảy ra thuận lợi và triệt để.Kết quả sẽ dẫn đến phân hủy hoàn toàn các chất hữu cơ độc hại, khó phân hủy thành các chất vô hại như CO2, H2O hoặc các axít vô cơ phân tử thấp. Các quá trình trong hệ tích hợp này bao gồm: các quá trình phân hủy hóa học, dùng các nhân ôxy hóa mạnh để phân hủy hoàn toàn các hóa chất hữu cơ độc hại khó phân hủy nhất; các quá trình phân hủy sinh học sử dụng các giá thể có bề mặt lớn giúp tạo ra mật độ vi sinh cao, nâng cao hiệu quả quá trình phân hủy, tăng mức độ đề kháng trước các chất độc hại. Ngoài ra, còn có các quá trình hấp phụ vật lý, hấp phụ tất cả các hợp chất hữu cơ còn sót lại trên than hoạt tính, giữ lại tất cả những gì còn sót lại trong nước sau xử lý để thu nước sạch hoàn toàn.
Riêng phần bao bì, sau khi lấy hết thuốc BVTV sẽ được rửa sạch. Nước rửa này cho nhập chung quy trình nói trên để xử lý. Bao bì là thủy tinh sẽ chuyển về các công ty sản xuất thuốc BVTV để đóng gói thuốc mới hoặc chuyển về lò nấu thủy tinh để tái sinh. Bao bì giấy và nhựa sẽ đưa vào lò đốt rác công nghiệp hai cấp nhiệt độ để tiêu hủy.
An toàn tuyệt đối
GS-TSKH Trần Mạnh Trí cho biết phương pháp này có nhiều ưu điểm. Đầu tiên là an toàn tuyệt đối do không có khói thải và nước thải ra ngoài môi trường. Thứ hai là chi phí năng lượng thấp, không tiêu tốn dầu, gas cho xử lý. Mặt khác, bao bì còn được tận dụng lại cho đóng gói thuốc BVTV mới. Thứ ba là kỹ thuật vận hành không phức tạp, dễ kiểm soát, an toàn cho công nhân vận hành do không sợ cháy nổ khi thiêu thuốc BVTV nguyên trạng trong lò đốt.
Giải pháp này và đã được Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) của Liên Hiệp Quốc đồng ý cho triển khai thực hiện thông qua quỹ tài trợ các dự án nhỏ ở Việt Nam (SGP Vietnam) với kinh phí 70.000 USD. Dự án thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An và đã được tỉnh Long An hỗ trợ trên 1 tỉ đồng đối ứng trong quá trình triển khai.
Qua thời gian vận hành hệ thống xử lý tại hệ thống lắp đặt ở Bến Lức,nhân công vận hành tuy chỉ là nông dân nhưng đã nắm chắc kỹ thuật, công nghệ và tích lũy nhiều kinh nghiệm. Chi phí đầu tư thiết bị cũng thấp, chỉ khoảng 1 tỉ đồng, rất thích hợp với trình độ công nghệ và vốn đầu tư ở nông thôn.
(Theo NLĐ)
Các tin mới hơn :
Các tin đã đưa :
tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung. tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền. Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia. Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com Mobile: 098 300 6168. Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++ |