Việt Nam sản xuất hàng loạt ống nano carbon giá rẻ

Bã cà phê, bã mía bỏ đi được TS Nguyễn Chánh Khê, Trung tâm Nghiên cứu phát triển, Khu công nghệ cao TP.HCM, dùng làm nguyên liệu chế tạo ống nano carbon.

Mới đây, TS Khê và các cộng sự của mình đã nghiên cứu thành công cách chế tạo ống nano carbon (carbon nano tube) từ các nguyên liệu gốc thực vật  như cây dó bầu,  tầm vông, bã cà phê, vỏ trấu, bã mía, củ rau dền.

Kiên trì sáng tạo

TS Khê suy nghĩ: Thế giới hiện sản xuất được ống nano carbon nhưng giá thành cao (1USD/g), sản phẩm chưa thật sạch và đường kính ống chưa đồng đều, trong khi Việt Nam có thể sản xuất được hàng loạt ống nano carbon với giá rẻ. Một lần đến Lâm Đồng, nhìn những cây cà phê, TS Khê chợt nảy ra ý tưởng này. Nhưng, sau đó các thí nghiệm của ông vẫn chưa thành công. Nhờ kiên trì nên sau 5 tháng miệt mài làm việc, TS Khê và các cộng sự đã hé mở được những điều kiện để sản xuất thành công. Tháng 7.2008, TS Khê có những kết quả bước đầu và cuối năm 2008, ông hoàn thiện được quy trình sản xuất ống nano carbon của mình.

Lấy nguyên liệu là các loại cây như mía, rau dền, dó bầu, tầm vông, TS Khê đã chế tạo thành công ống nano carbon đều hơn, với giá thành rẻ hơn. Phương pháp của ông là sử dụng nguyên liệu rắn để chế tạo, tuy tốc độ phản ứng chậm hơn nhưng cho ra sản phẩm đồng đều và ít thành phần pha tạp hơn. Sản phẩm có nhiều hình dạng khác nhau, từ ống thẳng đến ống xoắn, ống chia nhánh; từ ống có đường kính ngoài 600 nm cho đến sợi có đường kính nhỏ hơn 1nm.

Giá thành rẻ hơn 50%

Nano carbon là những ống nguyên tử carbon tí hon, có đường kính chỉ vài phần tỷ mét, nhỏ hơn sợi tóc 100.000 lần, nhẹ hơn thép đến 6 lần nhưng lại bền hơn vật liệu này đến 100 lần. Nano carbon có nhiều tính chất đặc biệt như siêu cứng, siêu bền, nhẹ nhưng khả năng dẫn điện, dẫn nhiệt tốt. Vì thế, chúng được sử dụng trong công nghiệp vũ trụ, hàng không. Với phương pháp chế tạo mới, giá thành của những ống nano carbon sẽ rẻ hơn một nửa. Năm 2008, Khu công nghệ cao TP HCM đã sản xuất được hàng chục kg ống nano carbon nhưng TS Nguyễn Chánh Khê đặt mục tiêu năm 2009 sẽ sản xuất được 2,4 tấn.

TS Khê và các cộng sự còn thực hiện việc ghép các ống nano carbon có đường kính lớn lại với nhau để làm nên những màng lọc nano, dùng để lọc huyết thanh hoặc nước sinh học. Đây là cách mà TS Khê đưa công nghệ nano hữu dụng hơn với cuộc sống con người.

Giữ lại công nghệ nguồn cho Việt Nam

Tìm ra phương pháp mới sản xuất ống nano carbon trong điều kiện thiếu thốn về trang thiết bị kỹ thuật nên TS Khê quyết tâm “giữ công nghệ này lại để nước ta nắm được công nghệ nguồn”. Hiện nay, Mỹ và Nhật Bản là các quốc gia được cho là “hùng mạnh” về công nghệ nano của thế giới. Năm 1991, TS Sumio Iijima (Nhật Bản) là người đầu tiên phát hiện ra ống nano carbon.

Từ đó đến nay, hàng loạt quốc gia trên thế giới đã tìm cách sản xuất ống nano carbon với giá thành sao cho rẻ nhất và tốt nhất. TS Khê hy vọng khám phá của mình và các cộng sự  có thể đưa đến đáp án chung cho thế giới về một quy trình sản xuất hàng loạt ống nano carbon có chất lượng cao mà giá thành không quá đắt. Mặt khác, ông cho rằng công nghệ sản xuất mới này sẽ giúp người nông dân trồng cà phê nâng cao giá trị sản phẩm vì một tấn cà phê trị giá 2.500 USD có thể bán ra với giá 250.000 USD sau khi trở thành ống nano carbon. 

Dù còn nhiều khó khăn trong việc đăng ký bản quyền nhưng TS Khê  quả quyết, năm 2009 ông phải làm xong việc này. Vì thế, ông không nhận lời hợp tác với nhiều tập đoàn của Nhật Bản và Hoa Kỳ như Hitachi, Jetro mà hợp tác với một nhà đầu tư của Việt Nam để đưa công nghệ vào sản xuất hàng loạt sản phẩm.

(Theo Tạp chí Hoạt động khoa học)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++