Đoàn An Hải - Nhà khoa học Việt Nam trên đất Mỹ

Đoàn An Hải sinh năm 1970 tại một làng chài ven biển thuộc huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An). Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học tại trường chuyên của tỉnh, năm 1987, anh được cử sang Hungary học đại học. Tại đây, anh đã lấy bằng cử nhân khoa học tại Đại học Kossuth Lajos. Năm 1994, anh đến học tại Mỹ và lấy bằng thạc sỹ tại Đại học Wisconsin năm 1996. Năm 2002, anh nhận bằng tiến sỹ (TS) tại Đại học Washington. Tất cả các văn bằng trên của anh đều về ngành khoa học máy tính.

Hiện anh đang sở hữu 2 giải thưởng có giá trị trong ngành máy tính, đó là Giải thưởng luận án TS xuất sắc nhất ngành tin học năm 2003 do Hiệp hội Tin học quốc tế trao tặng và Giải thưởng Sloan năm 2007. Anh thường xuyên được mời tham gia các hội nghị quốc tế có uy tín trong ngành công nghệ thông tin như SIGMOD, VLDB… và đã có trên 30 báo cáo tại các hội nghị này. Hiện nay, Đoàn An Hải là GS của Đại học Wisconsin Madison (Mỹ).

Không ngừng phấn đấu để trở thành một nhà khoa học

 Sau khi nhận tấm bằng đỏ bậc cử nhân khoa học máy tính tại Đại học Kossuth Lajos (Hunggary), với mơ ước cháy bỏng được học tập, nâng cao trình độ để trở thành một nhà khoa học thực sự, chàng trai xứ Nghệ Đoàn An Hải đã ngày đêm miệt mài học tiếng Anh để được sang Mỹ học. “Cơ hội chỉ đến với những người biết nắm lấy nó”, An Hải rất thấm thía điều đó. Và cơ hội đã đến, năm 1994, anh được nhận sang Mỹ học thạc sỹ tại Đại học Wisconsin. Đây là thời gian để anh nâng cao trình độ, tích lũy, bổ sung kiến thức.

Sau khi hoàn thành luận văn thạc sỹ, Đoàn An Hải tiếp tục hoàn thành chương trình đào tạo TS với luận án “Chuyển dịch tự động giữa các ngôn ngữ xử lý thông tin” - trong đó anh đã giải quyết được vấn đề tìm kiếm thông tin trên mạng một cách nhanh chóng và tiện lợi. Trong số hàng trăm luận án TS của khoảng 100 trường đại học trên thế giới tham dự, luận án của anh đã đoạt Giải thưởng luận án TS xuất sắc nhất ngành tin học năm 2003 do Hiệp hội Tin học quốc tế (ACM) trao tặng, đồng thời đoạt Giải thưởng Sự nghiệp của Hội Khoa học quốc gia Mỹ.

20 năm trước, ACM đã thành lập giải thưởng hàng năm dành cho các luận án TS để khuyến khích những nghiên cứu cao cấp về khoa học - kỹ thuật máy tính. Theo quy định, mỗi trường đại học trên thế giới nếu trong một năm chỉ có 10 bằng TS trong lĩnh vực này được trao thì chỉ được đề cử 1 người; trường hợp có hơn 10 bằng TS thì trường đại học đó có thể đề cử 2 người. Điều đặc biệt là sau 20 năm Giải thưởng này được thành lập, thì anh là người châu Á thứ 2 được trao Giải thưởng. Khoa Tin học thuộc Đại học Washington - nơi anh theo học lúc đó - được xếp hạng thứ 7 của Mỹ về công nghệ thông tin nhưng cũng chưa từng có ai đoạt được Giải thưởng này.

Luận án TS của anh có ý nghĩa lớn bởi đã đưa ra giải pháp tra cứu trên Internet ưu việt hơn hẳn so với các công cụ tìm kiếm lúc bấy giờ. Phần mềm ứng dụng trong luận án của anh đã đưa ra câu trả lời ngay lập tức, chứ không phải là đưa ra đường dẫn (địa chỉ Internet). Đến lúc đó, Đoàn An Hải mới dám khẳng định mình đã chọn đúng con đường trở thành một nhà khoa học và anh luôn tìm kiếm cơ hội để tiếp tục đào sâu thực hiện các ý tưởng của mình.

Trở thành giảng viên để vừa nghiên cứu, vừa có cơ hội truyền đạt các ý tưởng

Theo Đoàn An Hải, làm GS đại học vừa có thời gian nghiên cứu, vừa có thể truyền đạt các ý tưởng của mình cho các thế hệ tiếp theo. Chính vì thế, anh đã nộp đơn tuyển dụng đến 60 trường đại học của Mỹ. Anh đã được Đại học Illinois (xếp thứ 5 về ngành máy tính ở Mỹ) mời làm GS, nhưng sau đó anh chuyển về Đại học Wisconsin Madison. Tại đây, năm 2007, anh được tặng Giải thưởng Sloan - một trong những giải thưởng cao nhất dành cho các nhà khoa học trẻ tại Mỹ. Anh là giảng viên người Việt Nam thứ 3 giành được vinh dự này (cùng Vũ Hà Văn và Đàm Thanh Sơn - đều là giảng viên tại các đại học danh tiếng của Mỹ). Giải thưởng thêm một lần nữa khuyến khích anh trên con đường khoa học.

               Mặc dù rất bận rộn với công việc nghiên cứu nhưng anh luôn quan tâm tham dự các hội nghị khoa học quốc tế. Từ năm 2002 đến nay, trung bình mỗi năm anh có 2-3 báo cáo tại các hội nghị công nghệ thông tin có uy tín như SIGMOD, VLDB… Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia các hiệp hội, như Hội Chuyên ngành quốc tế về cơ sở dữ liệu (anh là 1 trong 25 thành viên và 1 trong 4 thành viên tuổi dưới 40). Là một GS thường xuyên nhận được các đề nghị hướng dẫn khoa học từ nhiều nước, nhưng Đoàn An Hải luôn dành ưu tiên đặc biệt cho các học viên của Việt Nam. Anh đã giúp đỡ 15 học viên Việt Nam sang học sau đại học tại Mỹ.

Để giúp đỡ học viên Việt Nam trong việc du học ở nước ngoài, anh đã cùng các bạn đang làm việc ở Mỹ (Nguyễn Công Thanh, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hồng Lâm) thành lập Diễn đàn điện tử VNSA dành cho học viên Việt Nam ở nước ngoài - một trong những diễn đàn điện tử đầu tiên của cộng đồng Việt Nam đang học tập và làm việc ở nước ngoài và cũng là diễn đàn lớn nhất của lưu học sinh Việt Nam trên thế giới hoạt động rất sôi nổi thời đó (từ 1996- 2001 và sau thời gian này đã xuất hiện thêm nhiều trang Web khác với nội dung tương tự). Có thể nói, Diễn đàn điện tử VNSA đã có những đóng góp quan trọng nhằm giúp đưa nhiều học viên Việt Nam sang du học tại Mỹ và châu Âu, vận động quyên góp cứu trợ đồng bào bị bão lụt và giúp 2 em nhỏ ở Việt Nam bị ung thư máu sang Mỹ chữa bệnh…

Qua kinh nghiệm làm việc với các đồng nghiệp và qua hướng dẫn các học viên của nhiều nước, theo anh, học viên Việt Nam cần học cách làm việc thực sự chuyên nghiệp. So với học viên Trung Quốc, Ấn Độ, học viên Việt Nam xét về độ thông minh không hề thua kém nhưng thường chưa chuẩn bị cho mình một khả năng làm việc chuyên nghiệp.

Hiện nay, anh đang tiếp tục nghiên cứu các vấn đề liên quan đến cơ sở dữ liệu, tích hợp và chia sẻ dữ liệu, khớp giản đồ, khai thác dữ liệu, khám phá thông tin trên web, semantic web, quản lý siêu dữ liệu… Cùng các học trò của mình, anh tiếp tục hợp tác chặt chẽ với một số công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin như Microsoft, Yahoo, Google và IBM để đưa ra các ứng dụng trên Internet. Xin chúc anh sớm có thêm những thành tựu nghiên cứu mới cũng như đào tạo cho đất nước nhiều nhà khoa học, góp phần khẳng định vị thế của nền khoa học Việt Nam trên trường quốc tế.

(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++