Các "nhà khoa học" sinh viên

Không chỉ đoạt giải nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học, đề tài của các sinh viên (SV) Nguyễn Hồng Phương, Phan Anh Dũng, Ngô Đức Thuận và Trần Minh Tưởng còn nằm trong số ít các công trình đoạt giải nhất Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) năm 2008.

Chuyên gia... sửa lỗi chính tả

"Xây dựng giải pháp kiểm tra chính tả tiếng Việt" là công trình nghiên cứu của nhóm SV ngành CNTT trường ĐH Bách khoa (ĐHQG Hà Nội): Nguyễn Hồng Phương, Phan Anh Dũng và Ngô Đức Thuận. Gặp nhau tại lớp Kỹ sư tài năng, ba bạn lập thành nhóm từ khi làm chung những bài tập lớn. "Tuy đã có những phần mềm kiểm tra chính tả tiếng Việt nhưng hầu hết mới chỉ dừng lại ở lỗi đơn thuần. Vì thấy điều này rất cần thiết trong thực tiễn sử dụng nên nhóm đã quyết định bắt tay vào làm", Nguyễn Hồng Phương - trưởng nhóm cho biết.

Điểm nổi bật của phần mềm này không chỉ ở khả năng phát hiện các lỗi non-word (những từ không có trong từ điển), mà còn những lỗi real-word (lỗi chính tả mà từ đó có trong từ điển nhưng sử dụng từ sai). Những lỗi real-word trong tiếng Việt phần nhiều là do phát âm sai, do sự khác nhau về phương ngữ của các vùng miền. Lỗi này khó phát hiện, vì bắt buộc phải nằm trong ngữ cảnh cụ thể, đòi hỏi sự phân tích cú pháp chứ không đơn thuần là những từ ngữ tách rời nhau.

Phát hiện lỗi đã khó, cách đưa ra gợi ý thay thế để sửa lỗi cũng không hề đơn giản, nhất là trong ngôn ngữ phong phú, đang dạng như tiếng Việt. "Khó khăn nhất khi thực hiện phần mềm là tìm kiếm dữ liệu về ngôn ngữ. Nhóm phải nghiên cứu rất nhiều những kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ tiếng Việt như ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, ngữ nghĩa... để có thể nhận dạng các lỗi sai và đưa ra giải pháp. Có lẽ nhờ vậy mà sau khi tốt nghiệp nhóm đã tự tin hơn về kiến thức tiếng Việt, nhất là vấn đề... chính tả", Hồng Phương dí dỏm tâm sự.

Chế tạo máy nông nghiệp

Đó là công trình "Thiết kế và chế tạo máy gieo hạt giống rau quả tự động", của SV Trần Minh Tưởng, khoa Cơ khí tự động và robot trường ĐH Kỹ thuật công nghệ  TP.HCM.

Hai lần tham gia Cuộc thi sáng tạo robot, nhưng đội của Tưởng chỉ mới lọt vào vòng 3 khu vực phía Nam. Tiếp tục thực hiện mong muốn được chế tạo, Tưởng bắt tay vào hoạt động nghiên cứu khoa học của trường. Ý tưởng triển khai đề tài của cậu SV xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam này lại rất giản dị, mộc mạc: "Em lớn lên từ một gia đình làm nông. Trải qua cuộc sống lao động thủ công vất vả quanh năm trên ruộng đồng từ thuở bé, em rất mong muốn có cách nào đó để người nông dân bớt khổ".

Sau hơn 4 tháng nghiên cứu, thiết kế và thử nghiệm, chiếc máy gieo hạt giống rau quả tự động của Tưởng đã được chấp nhận tại các nhà vườn: Liêm Dung, Điền Phượng, Minh Châu (xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). Nếu một lao động chuyên nghiệp làm việc lâu năm thì có thể gieo được 60 vĩ/giờ, trong khi dùng máy có thể gieo được 280 vĩ/giờ và máy có thể hoạt động liên tục cả ngày.

Cách thức sử dụng rất đơn giản, chỉ cần cắm điện là máy tự động chạy. Máy hoạt động dựa trên nguồn điện 24V nên công suất hao hụt rất thấp. Điều vui nhất với Tưởng chính là nhìn thấy sự hài lòng của các nhà vườn khi sử dụng sản phẩm của mình. Máy giúp nhà vườn tăng năng suất, giảm nhân công, đảm bảo thời vụ cây trồng, tiết kiệm chi phí, đơn giản hóa quá trình gieo hạt...

Hiện tại, máy dùng để gieo các loại hạt nhỏ như hạt cà chua, hành tây, ngò, rau xà lách, ớt..., nhưng tương lai có thể cải tiến thêm để đáp ứng với nhiều loại hạt. Từ cơ sở này còn có thể kết hợp với các đề tài khác như nhà trồng rau thông minh để tạo ra hệ thống trồng rau sạch hoàn toàn tự động cung cấp cho người tiêu dùng.

(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++