Đoạt giải Nobel nhờ… làm trái lời nhà khoa học lỗi lạc

GS Friedman . Ảnh: Lê Anh Dũng

Từ một cậu HS mê vẽ tranh đến SV khoa Vật lý phải chật vật mới đuổi kịp bạn học cùng lớp, nhờ “đi ngược lại lời khuyên của các nhà khoa học lỗi lạc”, Jerome Issac Friedman đã đoạt giải Nobel Vật lý năm 1990 với phát kiến làm chấn động giới khoa học. GS. Friedman đã chia sẻ bí quyết thành công và con đường để Việt Nam giành giải Nobel trong tương lai. 

“Chưa từng thất bại, không thể có thành công!”

“Bất cứ nhà khoa học nào chưa từng thất bại thì cũng không thể đạt được thành công lớn.” – GS. Jerome I. Friedman đã nói như vậy về những thành công và thất bại trong cuộc đời mình. 

Ông cho rằng cần có những ý tưởng cách mạng trong khoa học nếu không nền khoa học sẽ chẳng bao giờ phát triển. Vấn đề ở chỗ bạn phải chấp nhận mạo hiểm để bước tới, bạn phải thử nghiệm những ý tưởng mới và phải sẵn sàng đối mặt với thất bại. 

Vào năm 1954, có nhiều lời nhận xét gây hoang mang về sự phân rã của một loại hạt vừa được khám phá và dẫn đến những cuộc tranh luận và suy đoán trong giới vật lý hạt nhân. 2 nhà vật lý trẻ T.D.Lee và C.N.Yang cho rằng nghịch lý này xuất phát từ sự không đảm bảo tính chẵn lẻ trong lực tương tác yếu và họ đề nghị cần có một vài thí nghiệm cho giả thuyết này. 

Lúc đó, khi phần lớn giới vật lý cho rằng định luật này là một nguyên tắc bất khả xâm phạm, GS. Friedman đã tham gia thực hiện các phép đo để thử nghiệm các giả thuyết táo bạo của Lee và Yang. 

Hầu hết các thành viên trong phòng thí nghiệm đều nghĩ rằng công việc này là phí thời gian. Thậm chí, sau cuộc tọa đàm về các phép đo mà nhóm ông đang thực hiện, một nhà khoa học lỗi lạc đã nói rằng bài nói chuyện của Friedman rất hay, nhưng công việc này sẽ chẳng đi đến đâu hết.  

Kết quả, nhóm của ông là một trong 3 nhóm đầu tiên đã chứng minh được sự không bảo toàn của tính chẵn lẻ trong lực tương tác yếu, và nhờ vào những thí nghiệm này, một lý thuyết mới về tính tương tác yếu đã được phát triển. 

GS. Friedman chia sẻ: “Các tư tưởng không dễ dàng bị thay đổi. Chúng ta chỉ có thể thay đổi chúng bằng những ý tưởng mới đầy sáng tạo nên bạn cần có đủ lòng dũng cảm và niềm tin". 

Khi chúng tôi tiến hành nghiên cứu công trình đoạt giải Nobel, mọi người đều cho rằng đây là ý tưởng điên rồ và lãng phí thời gian nhưng chúng tôi vẫn kiên trì theo đuổi. Kết quả phát hiện ra hạt Quark không chỉ làm sửng sốt giới khoa học mà ngay cả nhóm nghiên cứu chúng tôi cũng bất ngờ. 

“Nếu không đi ngược lại những lời khuyên đáng kính của các nhà khoa học lỗi lạc, tôi đã không thể chạm tay vào giải Nobel.” – GS. Friedman nói đùa. 

GS Friedman đam mê nghệ thuật, đặc biệt là vẽ tranh. Khi còn nhỏ, mặc dù gia đình rất nghèo nhưng bố mẹ ông vẫn không tiếc tiền đầu tư cho con theo đuổi niềm đam mê. 

Khi lên năm thứ 4 trung học, cậu HS Friedman lúc đó đã đọc cuốn sách nhỏ mang tên “Thuyết tương đối” nhưng chứa đựng cả bầu trời khoa học lớn của nhà bác học vĩ đại Albert Einstein và ông gần như bị mê hoặc bởi những kiến thức mới lạ trong đó. Sau đó ông dành cả mùa hè để nghiên cứu cuốn sách nhưng vẫn có những điều tôi chưa hiểu rõ. 

Vào ĐH, ông đã bỏ học bổng ngành nghệ thuật để theo học ngành Vật lý. Do không có đủ kiến thức nền về toán học và vật lý ở phổ thông nên cậu SV Friedman đã phải chật vật để bắt kịp với bạn bè cùng lớp. Đã có lúc ông tự hỏi liệu mình có chọn nhầm không nhưng vật lý với ông luôn là điều kỳ diệu, càng phức tạp càng thú vị. 

Việt Nam hoàn toàn có thể đoạt giải Nobel 

21h ngày 25/7, GS Jerome I. Friedman sẽ có buổi trò chuyện với các thí sinh dự thi Olympic Vật lý Quốc tế lần thứ 39 và tất cả công chúng đam mê khoa học tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Khán giả quan tâm có thể tới tham dự.

Để đoạt giải Nobel trong tương lai chính, Việt Nam phải biết động viên các SV nghiên cứu khoa học, hỗ trợ các em nhiều nhất, cho các em được làm những công việc tốt nhất sau khi tốt nghiệp. 

Đó là cách tốt nhất và cũng là duy nhất để đoạt giải Nobel bởi vì giải Nobel chỉ dành cho những công trình thực sự xuất sắc và nổi bật. GS Friedman đã đưa ra lời khuyên như vậy cho Việt Nam trên con đường tìm kiếm giải Nobel. 

Bản thân GS Friedman sinh ra trong một gia đình nhập cư nghèo ở thành phố Chicago. Bố mẹ ông là người gốc Nga, chuyển tới Mỹ đầu thế kỷ 20 và không được hưởng một nền giáo dục chính thống. 

Nếu ông không nhận được học bổng toàn phần rồi sau đó nghiên cứu nhờ sự hỗ trợ tài chính của chính phủ thì sẽ không bao giờ có giải Nobel cho phát kiến ra hạt Quark vào năm 1990. 

“Tôi đã gặp HS, SV ở Huế, Quảng Bình và rất ấn tượng với sự quan tâm tới khoa học của các em. Những câu hỏi các em đặt ra rất thú vị về lĩnh vực chuyên sâu mà các em yêu thích. Tôi tin rằng Việt Nam có rất nhiều HS tài năng.” 

Ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nơi GS Friedman đang làm việc có những SV Việt Nam “rất thông minh và cực kỳ chăm chỉ”. Ông nói đùa: “Bạn còn mong đợi gì hơn ở các SV nữa?” 

Một trong những mục đích của cuộc đời GS Friedman là được thấy các công trình khoa học được thực hiện bởi những người trẻ tuổi nên ông đã đi rất nhiều nước trên thế giới để trò chuyện và động viên lớp trẻ yêu khoa học. 

Trong các bài nói chuyện của mình ở Việt Nam, GS Friedman luôn truyền cảm hứng cho SV để họ theo đuổi khoa học công nghệ như là sự nghiệp của đời mình bởi theo ông, với tốc độ phát triển kinh tế hiện nay, Việt Nam rất cần đầu tư vào lĩnh vực này. 

“Nhiều HS hỏi tôi làm sao một nước nghèo như Việt Nam có thể phát triển khoa học công nghệ. Tôi khẳng định rằng đầu tư vào khoa học sẽ nhận lại những lợi ích kinh tế lớn trong tương lai. Với nỗ lực của bản thân, sự quan tâm của nhà nước và các tổ chức, các em hoàn toàn có thể đạt được thành công. Đây là sự đầu tư tốt nhất mà một quốc gia có thể làm.” – GS. Friedman nhấn mạnh.

GS Friedman thường lấy Singapore là hình mẫu một quốc gia thịnh vượng nhờ đầu tư cho giáo dục và con người. Đảo quốc sư tử này có diện tích nhỏ, dân cư ít, không hề có tài nguyên thiên nhiên, thậm chí nước ngọt cũng phải mua nhưng đã vươn lên trở thành một nền kinh tế mạnh. 

GS Friedman nhấn mạnh: “Việt Nam có lợi thế là có nền giáo dục tốt, những con người thông minh. Điều các bạn cần là đầu tư đúng đắn cho khoa học.” 

Trở lại Việt Nam lần này sau 8 năm, GS Friedman nhận thấy các nhà vật lý Việt Nam đã biết bắt tay phối hợp với các nhà khoa học nước ngoài trong những dự án mang tầm cỡ quốc tế. Theo ông, đây là một nhân tố quan trọng vì nó mở ra nhiều cơ hội thành công hơn khi các nhà khoa học Việt Nam càng hội nhập sâu hơn vào giới khoa học toàn cầu.

  • Lan Hương

(Theo VietNamNet.vn)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++