Viện khoa học và công nghệ Việt Nam

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ; Tiền thân là Viện Khoa học Việt Nam được thành lập theo Nghị định 118/CP ngày 20/5/1975 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ). Ngày 12 tháng 5 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 62/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ theo các hướng trọng điểm của Nhà nước nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao cho đất nước theo quy định của pháp luật.
Viện là cơ quan sự nghiệp KH&CN hàng đầu của cả nước, có vị trí đầu tầu trong hệ thống KH&CN quốc gia, thực hiện các hoạt động nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ một cách toàn diện, trình độ cao. Viện KHCNVN luôn sẵn sàng tiềm lực khoa học công nghệ trình độ cao để đáp ứng các đòi hỏi xử lý các vấn đề phát sinh của tình hình thực tiễn. Viện thực hiện đào tạo nhân lực trình độ cao cho đất nước.

Chức năng và quyền hạn
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ theo các hướng trọng điểm của Nhà nước nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao cho đất nước theo quy định của pháp luật.
1. Trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập mới, đổi tên, tổ chức lại, giải thể các tổ chức, đơn vị của Viện thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
2. Về chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch và việc tổ chức thực hiện:
a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, các chương trình, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm, các dự án, đề án quan trọng của Viện; tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt;
b) Tham gia xây dựng chiến lược phát triển khoa học tự nhiên và công nghệ; tham gia hoạch định chính sách phát triển khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường của đất nước;
c) Nghiên cứu tổng hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên và môi trường để cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng, ban hành chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và cả nước;
d) Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ theo các hướng trọng điểm của Nhà nước trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; khoa học vật liệu; nghiên cứu biển, hải đảo và công trình biển; sinh thái và môi trường; tài nguyên sinh học và hợp chất thiên nhiên; kỹ thuật điện tử; thiết bị khoa học và tự động hoá; dự báo, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; công nghệ vũ trụ;
đ) Đề xuất và chủ trì thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
e) Triển khai, ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ mới; tổ chức sản xuất, kinh doanh, tư vấn dịch vụ về các lĩnh vực chuyên môn vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và theo quy định của pháp luật;
g) Thông tin, dự báo, cảnh báo động đất, sóng thần;
h) Thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường khoa học, công nghệ;
i) Thẩm định hoặc tham gia thẩm định trình độ công nghệ, xét duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật các công trình trọng điểm, quan trọng của Nhà nước và của các địa phương theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
k) Đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao; tổ chức đào tạo sau đại học về khoa học tự nhiên và công nghệ theo quy định của pháp luật;  l) Quyết định các dự án đầu tư của Viện theo quy định của pháp luật.
3. Về hợp tác quốc tế:
a) Hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế đã ký kết;
c) Tham gia các hội nghị, hội thảo, chương trình hợp tác quốc tế và quyết định tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế theo quy định của pháp luật; quản lý các hội nghị, hội thảo và kế hoạch hợp tác quốc tế của các đơn vị trực thuộc.
4. Quyết định và chỉ đạo việc thực hiện chương trình cải cách hành chính theo mục tiêu, nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
5. Về biên chế, cán bộ, viên chức:
a) Lập kế hoạch biên chế của Viện gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quyết định phân bổ, quản lý chỉ tiêu biên chế sự nghiệp của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị trực thuộc trong việc chấp hành quản lý biên chế;
b) Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, viên chức thuộc thẩm quyền; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong các hoạt động của Viện;
c) Kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và nhiệm vụ được giao đối với cán bộ, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ, viên chức thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
6. Về quản lý tài chính, tài sản:
a) Xây dựng dự toán ngân sách hàng năm của Viện trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
b) Quyết định phân bổ chỉ tiêu, kế hoạch; kiểm tra việc chi tiêu; chịu trách nhiệm quyết toán và có quyền điều chỉnh trong phạm vi tổng mức thu, chi tài chính được phê duyệt để thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng không được thay đổi mục tiêu, kế hoạch đã được duyệt;
c) Quản lý tài chính, tài sản; sử dụng có hiệu quả tài sản do Nhà nước giao và các nguồn tài sản khác; thực hiện công tác kế toán, thống kê theo quy định của pháp luật. 7. Về quản lý doanh nghiệp nhà nước:
a) Chỉ đạo việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của Viện theo quy định của Chính phủ; tổ chức triển khai sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của Viện theo quy định của pháp luật.
8. Báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.
9. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức
Tính đến ngày 15/7/2009, Viện KHCNVN có: 30 Viện nghiên cứu và 7 đơn vị sự nghiệp trực thuộc (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ, Trung tâm Thông tin tư liệu, Trung tâm Đào tạo, Tư vấn và Chuyển giao công nghệ, Trung tâm tin học, Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghệ và dịch vụ, Trung tâm phát triển kỹ thuật và công nghệ thực phẩm), 9 doanh nghiệp nhà nước, trên 20 liên hiệp sản xuất và đơn vị 35 trực thuộc các Viện chuyên ngành.
Các đơn vị của Viện đóng tập trung tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nhà Trang, Đà Lạt, Huế. Viện còn có hệ thống gần 50 đài, trạm quan trắc và cơ sở trạm trại thực nghiệm phân bố trên khắp các vùng lãnh thổ, ven biển, hải đảo (Quảng Ninh, vùng núi phía bắc, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, …) để khảo sát, điều tra, thu thập số liệu, triển khai thực nghiệm về địa chất, địa từ, địa động lực, địa lý, môi trường, tài nguyên và thử nghiệm vật liệu.
Cơ sở vật chất
Viện được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, nhiều PTN được trang bị các thiết bị nghiên cứu hiện đại (như máy công hưởng từ hạt nhân 500MHz, Máy nhiễu xạ tia X, Kính hiển vi điện tử phân giải cao, máy khối phổ plasma ICP-MS). Trong giai đoạn 2001-2006, Viện được đầu tư 4 phòng thí nghiệm trọng điểm về Công nghệ Gen, Công nghệ mạng, về Vật liệu và linh kiện điện tử và về Công nghệ tế bào thực vật. Nhiều cơ sở nghiên cứu đã và đang được xây dựng. Chỉ tính trong 3 năm 2005-2007, tổng kinh phí XDCB của Viện đã đạt trên 200 tỷ, với nhiều công trình được triển khai và chuẩn bị đưa vào khai thác như: Khu thử nghiệm công nghệ Nghĩa Đô, Viện CN Môi trường, Viện Hoá học các HCTN, PTN điện tử - lượng tử, Trạm nghiên cứu tổng hợp về tài nguyên và môi trường miền Trung, …
Nhân lực khoa học

Đội ngũ cán bộ khoa học của Viện gồm 2464 cán bộ, viên chức, trong đó có 207 giáo sư, phó giáo sư, 673 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học và 538 thạc sĩ. Ngoài ra còn có gần 1200 cán bộ khoa học đang làm việc tại các đơn vị trực thuộc theo chế độ hợp đồng dài hạn.


Biểu đồ 1. Biến động lực lượng cán bộ của Viện trong 5 năm qua.

Nhìn chung, về cơ cấu tổ chức của Viện là khá ổn định, hoàn chỉnh và đồng bộ; lực lượng cán bộ có trình độ cao khá đông và đều trên hầu hết các lĩnh vực của khoa học tự nhiên. Lực lượng cán bộ trình độ cao luôn là thế mạnh của Viện trong thời gian qua (so với các đơn vị nghiên cứu và triển khai cũng như các trường đại học trong cả nước). Sự biến động lực lượng cán bộ thống kê theo trình độ được trình bày trong Biểu đồ 1.


Biểu đồ 2. Phân bố lực lượng cán bộ của Viện năm 2008 theo trình độ.

Trong những năm gần đây, Viện luôn luôn quan tâm đến việc đào tạo cán bộ có trình độ cao (Tiến sỹ, Thạc sỹ) cho các đơn vị của mình cũng như phục vụ chung cho đất nước, hàng năm có hàng chục tiến sỹ mới bảo vệ và đào tạo hàng trăm thạc sỹ thuộc các chuyên môn khác nhau trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Các đơn vị trong Viện còn cử nhiều cán bộ trẻ của mình đi đào tạo tại nước ngoài nhằm bổ sung lực lượng cán bộ trình độ cao.

 
Các hoạt động thường xuyên hàng năm
Các trọng tâm công tác của Viện hàng năm bao gồm:
+ Thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai, theo các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước, theo 9 hướng khoa học và công nghệ ưu tiên cấp Viện, các dự án về điều tra cơ bản, bảo vệ môi trường và Biển đông - Hải đảo, và một số nhiệm vụ đột xuất khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
+ Đẩy mạnh triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào phục vụ thực tiễn sản xuất và đời sống, bao gồm các dự án đề tài thuộc Chương trình Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn, các dự án sản xuất thử nghiệm, các hợp đồng sản xuất và dịch vụ khoa học và công nghệ của các đơn vị và các doanh nghiệp nhà nước.
+ Thực hiện các nhiệm vụ đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng nghiên cứu khoa học và công nghệ, đặc biệt là các dự án xây dựng cơ sở làm việc, tăng cường trang thiết bị nghiên cứu và xây dựng các phòng thí nghiệm, các khu sản xuất và thử nghiệm, các trạm trại về tài nguyên và môi trường.
+ Thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của Viện, đặc biệt là nhiệm vụ quản lí, sử dụng đúng và hiệu quả ngân sách nhà nước, ‎ mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, thông tin xuất bản, đẩy mạnh kết hợp nghiên cứu với đào tạo đại học và sau đại học.
Viện đang chủ trì triển khai hoặc tham gia tích cực vào một số dự án quan trọng của quốc gia:
-Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020: Dự án chế tạo và phóng vệ tinh nhỏ quan sát trái đất; Chương trình KHCN độc lập về công nghệ vũ trụ; dự án xây dựng Trung tâm vũ trụ Hoà lạc.
-Dự án xây dựng Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.
-Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến 2010, tầm nhìn đến 2020: Điều tra khảo sát trên Biển Đông, hợp tác quốc tế trong điều tra khảo sát Biển Đông...
-Triển khai thực hiện Quy chế quan sát cảnh báo động đất và sóng thần: Công tác trực được thực hiện liên tục 24/24 giờ trong ngày, 7/7 ngày trong tuần. Các trận động đất ≥ 3.5 độ Richter xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam và Vịnh Bắc Bộ đều được thông báo kịp thời cho các cơ quan hữu quan và trên phương tiện thông tin đại chúng.
Các hướng KHCN trọng điểm của Viện đã được Chính phủ phê duyệt:
- Công nghệ thông tin và tự động hoá
- Khoa học và công nghệ vật liệu
- Nông nghiệp sinh thái và Công nghệ sinh học
- Sinh thái và Tài nguyên sinh vật
- Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai
- Các hợp chất có hoạt tính sinh học
- Điện tử, cơ điện tử và Công nghệ vũ trụ
- Biển và công trình biển
- Công nghệ môi trường
Những thành tựu nổi bật
Hàng năm, Viện chủ trì thực hiện hàng trăm đề tài thuộc các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, cấp bộ và tương đương, góp phần giải quyết nhiều vấn đề cơ sở khoa học phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Viện đã ký kết hợp tác với nhiều nước trong khu vực và quốc tế như Viện Hàn lâm khoa học của các nước Nga, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, ... trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng như về đào tạo cán bộ.
Viện đã kết hợp với các trường Đại học trong và ngoài nước đào tạo hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ bổ sung cho lực lượng nghiên cứu khoa học của đất nước.
Trong những năm qua, 4 nhà khoa học lớn của Viện đã được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, nhiều tập thể và cá nhân đă được tặng giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ và các giải thưởng khoa học khác. Nhiều viện nghiên cứu chuyên ngành đã được tặng thưởng Huân chương cao quý của Nhà nước. Năm 2000, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất. Nhiều nhà khoa học quốc tế có đóng góp lớn cho sự phát triển khoa học của Viện đã được Nhà nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân, Huy chương hữu nghị và nhiều phần thưởng cao quý khác.

 

(Theo vast.ac.vn)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++