VN chưa đủ nhân lực làm chủ công nghệ vũ trụ

Nhiều nhà quản lý dự kiến, năm 2017, VN sẽ làm chủ công nghệ và chế tạo được vệ tinh viễn thám nhỏ (dưới 500 kg). Tuy nhiên, đến nay các công tác nghiên cứu, triển khai chưa cho thấy được sự tiến triển cần thiết. 

Trong khi đó, công nghệ sản xuất vệ tinh mà các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Vũ trụ đang theo đuổi lại ở mức rất thấp, chỉ ngang tầm… trình độ của các sinh viên Mỹ, Anh.

Hiện tại, Viện Công nghệ vũ trụ có 75 cán bộ, nhân viên, trong đó có một giáo sư, 8 tiến sĩ và 15 thạc sĩ. Viện cũng đã cử các đoàn cán bộ chuyên gia đến các nước có nền công nghệ vũ trụ phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu để học hỏi kinh nghiệm về nghiên cứu, quản lý, vận hành, khai thác.

Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ, cho biết Viện hợp tác với ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội bắt đầu tuyển sinh kỹ sư công nghệ vũ trụ từ năm 2008.

Dự kiến năm đầu tiên sẽ tuyển sinh khoảng 60 người, trong đó tập trung đào tạo khoảng 10 - 15 kỹ sư chuyên về công nghệ vũ trụ. Tuy nhiên, số lượng người cho một ngành công nghệ mang tầm chiến lược là quá ít.

Nguồn nhân lực ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam rất thiếu. Ảnh: VNPT


Giáo sư Trần Mạnh Tuấn, Viện KHCN Việt Nam, chuyên gia đầu ngành về công nghệ vũ trụ ở Việt Nam, cho hay tới thời điểm này, nguồn nhân lực phục vụ cho ngành công nghệ vũ trụ của chúng ta rất thiếu. Từ nay tới 2020, để “tạo ra một bước đột phá”, bên cạnh đầu tư hệ thống hạ tầng, chúng ta phải rất nỗ lực trong việc đào tạo nhân lực.

Ngay cả việc có vệ tinh rồi nhưng nhân lực cho việc ứng dụng, triển khai thành tựu này cũng là vấn đề nan giải. Tiến sĩ Phạm Văn Cự, Trung tâm Viễn thám và Geomatic, Viện Địa chất, một trong những nhà khoa học tham gia dự án viễn thám đầu tiên của Việt Nam về phát hiện và theo dõi cháy rừng, cho biết năm 1997, Việt Nam bắt đầu nghiên cứu ứng dụng ảnh vệ tinh trong theo dõi cháy rừng khi tham gia dự án hợp tác nghiên cứu với cộng đồng châu Âu (EU).

Cũng năm đó, EU gửi một trạm thu vệ tinh xách tay để thử nghiệm và những bức ảnh vệ tinh đầu tiên ở Việt Nam được thu thành công. Đây là bước khởi động cho đề tài xây dựng trạm thu và nghiên cứu ứng dụng ảnh NOAA ở Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình KC01. Mặc dù vậy, đến năm năm sau, những công nghệ này mới được ứng dụng ở Việt Nam (mùa khô năm 2002).

Tiến sĩ Cự bức xúc, cả Trung tâm Viễn thám và Geomatics chỉ có 16 người và phần lớn được đào tạo bài bản ở các nước có nền công nghệ vũ trụ phát triển, nhưng liệu họ yên tâm phục vụ khi điều kiện làm việc cũng như chế độ đãi ngộ chưa thoả đáng.

“Nếu những người này bỏ việc thì lấy đâu ra người có đủ trình độ để tiếp tục công việc và nguy cơ tụt hậu về công nghệ là điều không tránh khỏi. Đây là điều mà các nhà quản lý phải tính đến”, tiến sĩ Cự cảnh báo.

Hiện nay, Việt Nam đã có “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”, cũng như  nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ vũ trụ khác như làm chủ VINASAT-1, xây dựng Trung tâm Vũ trụ Hòa Lạc, khánh thành trạm thu ảnh vệ tinh đầu tiên vào tháng 7/2009.

(Theo Báo Đất Việt)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++