Ông Phạm Hồng Quất, Phó chánh thanh tra Bộ KH – CN cho biết, từ đầu năm 2006 tới cuối năm 2008 có gần 20.000 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xử lý, trong đó, gần 6.000 vụ liên quan tới sao chép băng đĩa, sách lậu và chương trình máy tính; 459 vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; 156 vụ xâm phạm bản quyền, truy tố hình sự nhiều đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả mạo liên quan đến thực phẩm, mỹ phẩm. Tổng số tiền phạt thu được hơn 16 tỷ đồng.
Giám định rộng, không hiệu quả
Một chuyên gia của Sở KH-CN TP HCM nhận định, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về SHTT từ cấp Trung ương đến địa phương hiện thuộc về nhiều ngành, nhiều cấp nên bộ máy thực thi đang trở nên cồng kềnh, thiếu tập trung.
Cụ thể, ở Trung ương có bốn bộ tham gia công tác này nhưng pháp luật hiện hành không quy định thẩm quyền của Bộ Thông tin Truyền thông. Hơn nữa, hoạt động của các cơ quan này lại độc lập dẫn đến sự phối hợp còn lỏng lẻo, thiếu thống nhất, không đồng bộ và kém hiệu quả vì không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm phối hợp.
Khách hàng đang xem đĩa học tiếng anh sao chép lậu bán tại nhà sách Nhân Văn, TP.HCM. Ảnh: tin mới.vn |
Trong khi đó, ở địa phương, hiện có bốn sở chuyên môn tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước về SHTT. Tuy nhiên, sự phối của các cơ quan này không chặt chẽ, thậm chí mỗi sở hoạt động một kiểu, mỗi địa phương có một kiểu hoạt động quản lý nhà nước về SHTT khác nhau. Thực trạng đó dẫn đến tình hình quản lý SHTT tại địa phương hiện kém hiệu quả.
Thiếu ý thức về SHTT
Việc nhiều người chưa "nói không với hàng lậu, sao chép” cũng là trở ngại lớn đối với các nhà thực thi quyền SHTT. Võ Hoàng An, sinh viên năm thứ tư, ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM cho biết, em thường xuyên mua đĩa chép vì giá chỉ bằng 1/5 đĩa gốc. “Bạn bè em đều mua đĩa chép. Đĩa chép bán đầy trong nhà sách, cửa hàng băng đĩa lớn mà có ai nói cấm mua đâu, nên em nghĩ không sao”, An nói.
Trong khi đó, TS. Trần Hà Anh, Trưởng ban CLB Việt kiều TP HCM cho rằng, một khi ý thức người dân cao thì sẽ không cần thực thi gì nhiều đến quyền SHTT. Ví dụ, ở nhiều nước trên thế giới, trẻ em tiểu học cũng được bố mẹ, nhà trường giáo dục và hiểu rằng không nên mua đĩa chép, sách lậu. Một cửa hàng bán các sản phẩm vi phạm SHTT sẽ bị đánh giá rất thấp nên họ không chọn bán... Trong khi đó, ở nước ta, chưa có nhiều người có ý thức như vậy.
Ông Vũ Khắc Trai, Viện Khoa học SHTT lại nêu lên một khó khăn khác. Đó là thực trạng về đội ngũ cán bộ mà trong đó cụ thể là nhân lực quản lý nhà nước về SHTT hiện thiếu hụt trầm trọng, năng lực không đồng đều. Cho tới thời điểm này, mới có bốn cá nhân được thừa nhận là giám định viên và một tổ chức giám định sở hữu công nghiệp (Viện Khoa học SHTT). Trong đó, Viện Khoa học SHTT không được phép giám định các vụ việc liên quan đến tên thương mại, bí mật kinh doanh và cạnh tranh không lành mạnh.
Thực tiễn Việt Nam cho thấy, khái niệm “chuyên môn” trong quy định và thực tiễn giám định lại không được diễn giải rõ ràng, thậm chí là không hợp lý. Điều đó dẫn đến có sự khác biệt lớn về cách tiếp cận vấn đề giám định SHTT của Việt Nam so với thế giới.
Hiện chỉ có 6/63 tỉnh, thành (An Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP HCM, Vĩnh Phúc) có bộ phận chuyên trách quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Chính sự thiếu hụt bộ phận và cán bộ chuyên trách cũng như sự kiêm nhiệm trong công tác thực thi quyền SHTT là nguyên nhân khiến cho hoạt động này tại các địa phương diễn ra cầm chừng và không đồng bộ.
(Theo Báo Đất Việt)
Các tin mới hơn :
Các tin đã đưa :
tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung. tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền. Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia. Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com Mobile: 098 300 6168. Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++ |