Sau 3 năm thực hiện đề tài khoa học “Khảo sát tuyển chọn giống và nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh cây mít ráo tại tỉnh Đồng Nai”, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ đã tuyển chọn được 8 dòng mít tốt vừa có khả năng làm nguyên liệu chế biến, vừa có khả năng ăn tươi, đồng thời đề xuất một số giải pháp về kỹ thuật thâm canh cây mít ráo nhằm canh tác đạt hiệu quả cao.
Qua điều tra, khảo sát, nhóm nghiên cứu khẳng định, Đồng Nai có khoảng 1.500 ha mít và được trồng rải rác trên toàn tỉnh. TS Bùi Xuân Khôi, chủ nhiệm đề tài cho biết, đa số những vườn mít trong tỉnh đều có quy mô nhỏ và trồng rải rác, thậm chí cả ở những vùng trồng nhiều mít như Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất và Xuân Lộc; kỹ thuật canh tác còn nhiều hạn chế, đa số nhà vườn còn theo kiểu quảng canh, chưa có sự đầu tư kỹ thuật và vật tư thích đáng nên năng suất và hiệu quả còn thấp. Hiện năng suất mít trung bình toàn tỉnh ước đạt khoảng 14-16 tấn/ha, thấp hơn so với một số vùng khác. Trong khi đó, mít ráo lại đang có nhu cầu tiêu thụ lớn, nếu được đầu tư thâm canh tốt sẽ đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân. Xuất phát từ thực tế đó, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ đã tiến hành đề tài nghiên cứu khoa học “Khảo sát tuyển chọn giống và nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh cây mít ráo tại tỉnh Đồng Nai”.
Qua điều tra, khảo sát trên 40 quần thể mít và 60 cá thể ưu tú, nhóm nghiên cứu đã chọn ra 8 cá thể ưu tú nhất vừa có khả năng làm nguyên liệu chế biến vừa có khả năng ăn tươi. Các cá thể này đều thuộc giống mít Nghệ có năng suất cao và chất lượng vượt trội so với trung bình quần thể cùng tuổi được khảo sát. Sau khi chọn được 8 dòng mít ưu tú, nhóm nghiên cứu đã bồi dục, chăm sóc theo quy trình gồm bón phân, tạo tán, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh, tưới nước, làm cỏ. Hiện cây đang trong tình trạng sinh trưởng và phát triển tốt. TS Khôi cho biết thêm, hiện các dòng mít trên đang được nhân giống bằng phương pháp ghép mắt và trồng bảo quản tại vườn thí nghiệm của Trung tâm. Ngoài ra đầu năm 2008, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được vườn cây đầu dòng tại Công ty Cổ phần giống cây trồng Đồng Nai với diện tích 5.000m2.
Cùng với quá trình nghiên cứu tuyển chọn các dòng mít ưu tú, đề tài cũng đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mít, gồm: Phương pháp hỗ trợ nhân giống mít; chế độ bón phân NPK kết hợp phân hữu cơ để cây đạt năng suất cao, chất lượng trái tốt nhất; ảnh hưởng của một số chất kích thích sinh trưởng đến năng suất mít ráo; các biện pháp tạo tán và tỉa cành… Việc phòng trừ sâu đục trái trên mít cũng là một trong những nội dung nghiên cứu của đề tài. Theo kết quả điều tra, sâu đục trái trên mít ở Đồng Nai có 2 loài gây hại chủ yếu là Glyphodes caesalis và loài Connogerthes punctiferalis. Tuy nhiên nông dân chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả, chủ yếu là sử dụng thuốc hóa học nhưng đa số các loại thuốc và giai đoạn phun chưa đúng. Từ đó, đề tài khẳng định, thuốc gốc Methidathion có hiệu quả tốt nhất, kế đó là nhóm Lambdacyhalogen, Thiamethoxam và Bacillus thurigiensis. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp cây mít ráo giai đoạn kinh doanh. Kết quả cho thấy, các biện pháp canh tác ở mô hình này giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cao hơn so với đối chứng (canh tác của nông dân), chất lượng trái tốt, đảm bảo an toàn về thuốc bảo vệ thực vật. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai tổ chức 6 lớp tập huấn chuyên đề “Kỹ thuật canh tác cây mít Nghệ” tại 6 xã có trồng nhiều mít thuộc 3 huyện Tân Phú, Định Quán và Xuân Lộc, thu hút 272 nhà vườn tham dự và được chuyển giao kỹ thuật trồng mít.
Được biết nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nhân giống và đưa các giống mới ra trồng khảo nghiệm ở những loại đất khác nhau, giúp người nông dân trồng mít tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
(Theo Sở KH&CN Đồng Nai)
Các tin mới hơn :
Các tin đã đưa :
tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung. tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền. Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia. Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com Mobile: 098 300 6168. Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++ |