Công bố nghiên cứu mới nhất về kiến tạo đới đứt gãy sông Hồng

Lần đầu tiên trong đới trượt cắt sông Hồng (ĐTCSH) đoạn Việt Nam đã xác định được biên độ dịch chuyển phải của các đứt gãy, dựa vào sự biến dạng các nón phóng vật và các thềm sông ở một số địa điểm. Và cũng lần đầu tiên, các trầm tích rất trẻ của các thềm này đã được xác định tuổi tuyệt đối.

Thông qua 20 báo cáo khoa học, các kết quả nghiên cứu về ĐTCSH và các kiến tạo quan trọng nhất sẽ được công bố tại Hội thảo “Kiến tạo đới đứt gãy sông Hồng và địa chất Việt Nam” do Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức ngày mai, tại số 105, Quán Thánh, Hà Nội.

Hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa  học Việt Nam và Ba Lan trong lĩnh vực địa chất đã có truyền thống từ lâu, bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ trước. Việc hợp tác này càng phát triển mạnh mẽ vào những năm sau này, đặc biệt trong lĩnh vực Địa động lực Kainozoi miền  Bắc Việt Nam. Đó là một lĩnh vực khoa học rất quan trọng, là cơ sở cho  nghiên cứu  môi trường, phòng chống thiên tai, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội, cũng như tìm kiếm thăm dò nhiều loại khoáng sản quan trọng.

Việc nghiên cứu địa động lực Kainozoi Việt Nam, hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và Ba Lan trong 10 năm qua, tập trung ở miền Bắc, bởi đây chính là nơi tiếp giáp giữa 3 khối kiến tạo lớn: Đông Dương, Biển Đông và Đông Bắc Việt Nam - Nam Trung Hoa. Ở đây đang bị chia sẻ bởi hàng loạt những đới đứt gẫy lớn, đang hoạt động, đặc biệt có đới đứt gẫy sông Hồng, kéo dài hơn ngàn km, thành tạo và phát triển do sự đụng độ giữa hai mảng thạch quyển lớn, Ấn Độ và Á-Âu, hết chuyển động trượt bằng trái rồi lại chuyển động trượt bằng phải; có đới đứt gẫy Điện Biên Phủ, cũng kéo dài cả ngàn km, theo hướng Á Kinh Tuyến, đang chuyển động trượt bằng trái, trong khi các đới đứt gẫy khác lại đang chuyển động trượt bằng phải. Tại đới này vào năm 1935 đã xảy ra động đất cấp 8, M=6,7-6,8 độ Richter. Địa động lực Kainozoi miền Bắc Việt Nam, trước hết được tập trung ở nghiên cứu các đới đứt gẫy lớn.

Địa động lực Kainozoi miền Bắc Việt Nam lần đầu tiên đã được các nhà khoa học Việt Nam và Ba Lan nghiên cứu khá chi tiết và tương đối toàn diện: từ địa chất - địa mạo kiến tạo; cấu trúc, vi cấu trúc trong đá biến chất cao cũng như trong đá trầm tích trẻ; thạch học trầm tích, tướng thạch học trầm tích, khôi phục lại sự tiến hóa của các bồn trầm tích; sự tiến hóa nhiệt động và các hoạt động macma…đến xử lý kết hợp các số liệu GPS đo chuyển động hiện đại.

Hội thảo này cũng là dịp để các nhà khoa học và những người quan tâm có cái nhìn tương đối toàn diện và cơ bản về địa động lực Kainozoi miền Bắc Việt Nam, kết quả nghiên cứu hợp tác của các nhà khoa học Việt Nam - Ba Lan, Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Khoa học Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan.

(Theo Báo Đất Việt)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++