Các trung tâm KHCN địa phương bắt đầu ăn nên làm ra

Hội thảo toàn quốc “Giám đốc các trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN địa phương” lần II tổ chức tại Hải Dương từ 29 - 30/10 cho thấy nhiều đơn vị đã bắt đầu “ăn nên làm ra” nhờ ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất.

Tại hội thảo này, các đại biểu nhận định nhiều trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN đã thực hiện được các nhiệm vụ có lựa chọn, tiếp thu và chuyển giao công nghệ từ các kết quả nghiên cứu đề tài, dự án. Một số trung tâm đã làm chủ được công nghệ và áp dụng vào đời sống xã hội, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những điểm sáng

Tại Trung tâm Cao Bằng, nhờ áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nên đã hình thành thương hiệu Trà Giảo cổ lam Cao Bằng có giá trị kinh tế cao. Trong 9 tháng đầu năm 2009, Cao Bằng tiêu thụ gần 25.000 hộp trà, doanh thu đạt trên 600 triệu đồng. Trung tâm Cao Bằng ký kết với Công ty CP Dược phẩm Trường Thọ (Nam Định) mở rộng đại lý tại Hà Nội và TP HCM.

Ông Hoàng Quốc Lâm, Giám đốc Trung tâm Cao Bằng, cho biết nhờ có sự đầu tư công nghệ, đáp ứng nhu cầu đặc thù về nguyên liệu của địa phương nên Trung tâm đã sản xuất thành công nhiều sản phẩm như Trà Giảo cổ lam, gạo nếp Pì pất, lọ măng ớt Mác mật… có giá trị kinh tế cao.

Tuy không có nhiểu sản phẩm đặc thù như Cao Bằng nhưng Trung tâm Phú Yên lại có cách làm khác và đã thành công nhờ đi theo hướng làm chủ các công nghệ mới. Dự án “Xây dựng cơ sở công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô” của Trung tâm này đạt được một số kết quả khả quan. Từ khi tiếp nhận công nghệ đến nay, Trung tâm đã nắm vững và làm chủ công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô.

Ứng dụng nuôi cấy mô vào sản xuất cây trinh nữ hoàng cung tại Hải dương. Ảnh: T. Uyên

Trên địa bàn tỉnh có ba cơ sở nuôi cấy mô, năng lực sản xuất khoảng 500.000 cây/năm, tập trung vào cây lâm nghiệp (keo lai, bạch đàn), cây hoa, cây dược liệu, cây công nghiệp…

Còn Trung tâm Thừa Thiên-Huế đi theo hướng bám sát các nhu cầu của địa phương để tư vấn, hỗ trợ, xây dựng nhiều dự án ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất, như mô hình khôi phục và phát triển chăn nuôi heo rẫy truyền thống cho bà con dân tộc, nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu…

Số liệu thống kê từ 53 Trung tâm cho thấy trong hai năm 2008 - 2009, gần 220 đề tài, dự án đã và đang được thực hiện trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp…

Đến nay, có 25 Trung tâm được phê duyệt chuyển đổi mô hình hoạt động sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115.

Chủ động đề xuất nhiệm vụ thường xuyên

Nhiều Trung tâm đã đi lên bằng cách chủ động tìm kiếm công nghệ mới phù hợp nhu cầu địa phương, bước đầu tự trang trải được kinh phí hoạt động và nâng cao năng lực cán bộ.

Đại biểu tỉnh Trung tâm Sơn La chia sẻ: Nếu chúng ta không tìm được ra công nghệ phù hợp, không tìm ra được các mặt hàng để phát triển và thương mại hoá ở địa phương thì khó nói đến chuyện tự chủ.

Muốn tự chủ phải có nguồn thu, nguồn thu đó xuất phát từ các công nghệ được chuyển giao, hay dùng công nghệ đó để phát triển sản phẩm phục. Các trung tâm phải biết tận dụng cơ chế để phát huy nội lực, chủ động đề xuất các nhiệm vụ thường xuyên hằng năm, nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn cho cán bộ, chủ động xây dựng phương án phát triển và chuyển đổi hoạt động theo Nghị định 115, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo trung ương và địa phương, doanh nghiệp…

(Theo Báo Đất Việt)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++