Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: 'Cần đột phá trong khoa học công nghệ'

"Muốn khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, phải hình thành những doanh nghiệp mạnh, tiên phong trong việc đổi mới công nghệ", Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Hoàng Văn Phong cho biết, sáng 26/6.

Sáng 26/6, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai thông báo kết luận của Bộ Chính trị về kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về khoa học công nghệ, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đến năm 2020.

Theo Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Hoàng Văn Phong, nếu muốn phấn đấu đến năm 2020 GDP gấp 3,2 lần so với năm 2010, khoa học công nghệ cần có sự đột phá. "Chỉ có qua tay doanh nghiệp, sức mạnh của ngành khoa học công nghệ mới được bộc lộ và phát huy. Nhưng chỉ doanh nghiệp thì chưa đủ mà người lãnh đạo quốc gia cũng phải quan tâm đến điều này", ông Phong nói.

Ảnh: Tiến Dũng.
Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: "Sắp tới, chúng tôi sẽ trình Chính phủ đến năm 2015 có 5.000-10.000 doanh nghiệp KHCN". Ảnh: Tiến Dũng.

Bộ trưởng dẫn chứng, năm 2002-2005, tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) bỏ ra 3,2 tỷ USD để đổi mới công nghệ. Trong khi ở Việt Nam, năm 2001-2005, đầu tư được gần 1 tỷ USD cho hoạt động khoa học công nghệ. Nhằm tạo ra bước đột phá cho ngành, Bộ sẽ lập Quỹ Đổi mới Khoa học Công nghệ Quốc gia, quan tâm hơn nữa tới đội ngũ nghiên cứu trong các trường đại học, đội ngũ khoa học ở các doanh nghiệp, người dân đam mê khoa học cũng như đội ngũ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

"Đội ngũ nghiên cứu trong các trường đại học có vai trò quyết định diện mạo khoa học nước nhà. Còn đội ngũ khoa học ở các doanh nghiệp là lực lượng quan trọng mà nhiều năm chúng ta chưa quan tâm. Chính phủ cần coi những người dân đam mê khoa học là một trong những lực lượng làm khoa học công nghệ", Bộ trưởng Hoàng Văn Phong cho biết.

Sắp tới, Bộ Khoa học Công nghệ cũng sẽ xây dựng chương trình đầu tư phát triển ứng dụng khoa học công nghệ ở các địa phương, đồng thời hỗ trợ 50 trung tâm chuyển giao khoa học công nghệ ở các tỉnh mỗi trung tâm 20 tỷ đồng để làm đầu mối phát triển trong lĩnh vực này.

"Trung Quốc hiện có 300.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ, đóng góp 15% GDP. Sắp tới, chúng tôi sẽ trình Chính phủ đến năm 2015 có 5.000-10.000 doanh nghiệp", ông Phong nói.

Theo Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về khoa học công nghệ, nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn tới là nâng cao năng lực khoa học công nghệ quốc gia; kết hợp chặt chẽ nghiên cứu và phát triển trong nước với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài; phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ dựa trên công nghệ cao; đến năm 2020 xây dựng được nền khoa học công nghệ có trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực...

Đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh việc bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức về KH&CN, nhất là chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trí thức; hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức.

Thừa nhận làm khoa học trong tình cảnh đất nước còn nghèo không dễ, ông Phùng Hữu Phú, Phó ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, để phát triển rút ngắn, không có cách nào khác là đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao, nền khoa học tiên tiến. Muốn vậy, phải nhận thức sâu hơn, dành nhiều thời gian hơn suy nghĩ và đầu tư cho lĩnh vực khoa học, giáo dục.

Tiến Dũng

(Theo Vnexpress)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++