Sản xuất nông nghiệp theo quy trình chất lượng và an toàn (GlobalGAP) đã được phát triển ở nhiều quốc gia và công nhận chính thức trong khuôn khổ quy tắc quốc tế nhằm giảm thiểu các mối nguy hại, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sản xuất và cộng đồng từ việc sử dụng thuốc phòng trừ dịch hại. Vì vậy sản xuất các sản phẩm nông nghiệp vừa có chất lượng cao, vừa thân thiện với môi trường (theo tiêu chuẩn GAP) là hướng phát triển hiện nay trong quá trình hội nhập thị trường thế giới.
Qua khảo sát sơ bộ, hiện nay nhiều địa phương đã và đang xây dựng một số mô hình sản xuất theo hướng GAP như Thanh long Chợ Gạo, Dứa Tân Lập (Tiền Giang); Bưởi da xanh Bến Tre; HTX Thanh long Dương Xuân (Long An) và mô hình sản xuất rau ở huyện Xuân Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo đánh giá, các loại nông sản nói trên đang được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận và rất ưa thích.
Hiện nay, huyện Chợ Mới là huyện có diện tích trồng màu lớn nhất của tỉnh An Giang, đặc biệt là bắp rau (bắp thu hoạch ở giai đoạn trái non). Bắp rau đã và đang được trồng nhiều và phát triển tốt ở vùng đất phù sa này. Tuy nhiên, việc canh tác loại bắp rau đang phát triển này không ổn định do người nông dân chưa chú ý đến các tiêu chuẩn kỹ thuật như chất lượng hạt giống, quy trình canh tác an toàn… Do đó, UBND huyện có chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu ổn định an toàn thực phẩm và có chất lượng cao nhằm đảm bảo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nâng cao giá trị của sản phẩm và thu nhập của người dân trong huyện.
Học tập các tỉnh bạn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản, Sở KH&CN An Giang(dưới sự đồng ý của UBND tỉnh) đã thành lập Hội đồng KH&CN tiến hành xét duyệt đề cương dự án Xây dựng vùng sản xuất bắp rau đạt chuẩn GlobalGAP tại huyện Chợ Mới, An Giang, do PGS.TS Võ Thị Gương - Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng - Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Vừa qua, Hội đồng KH&CN tỉnh đã tiến hành xét duyệt đề cương dự án nói trên với sự có mặt của TS Mai Thị Ánh Tuyết (Phó Giám đốc Sở KH&CN) - Chủ tịch Hội đồng, TS Trần Thanh Sơn (Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế - Đại học An Giang) - Uỷ viên phản biện 1, ThS Trương Quang Minh (Sở NN&PTNT) - Uỷ viên phản biện 2 và một số thành viên khác.
Hội đồng đánh giá cao dự án với tổng điểm là 82/100 điểm và đồng ý cho dự án thực hiện từ tháng 10.2009 đến 10.2011 với những mục tiêu và nội dung như sau:
* Mục tiêu của dự án bao gồm: Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất bắp rau theo tiêu chuẩn GlobalGAP; Xây dựng mô hình vùng sản xuất bắp rau chất lượng cao đạt tiêu chuẩn GlobalGAP
* Nội dụng thực hiện:
- Xây dựng quy trình sản xuất bắp rau bằng biện pháp sinh học theo hướng bền vững. Cụ thể là: Áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng nước, sử dụng phân vô cơ cân đối, tăng cường chất hữu cơ trong đất, cải thiện độ màu mỡ của đất, phòng trị sinh học bằng cung cấp phân hữu cơ vi sinh, quản lý dịch hại trên cây bắp bằng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học
- Xây dựng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 10 ha tại xã Hội An, huyện Chợ Mới.
- Tập huấn quy trình sản xuất, quy trình quản lý với diện tích mở rộng trong khu vực, chuẩn bị cho hướng phát triển thành vừng sản xuất nông nghiệp đạt chất lượng GlobalGAP.
* Các đơn vị phối hợp thực hiện dự án:
- Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Mới tham gia xây dựng tổ hợp tác.
- Trung tâm Khuyến nông An Giang (Sở NN&PTNT) tổ chức tập huấn, hội thảo, chuyển giao công nghệ.
- Công ty Antesco An Giang hỗ trợ chi phí xây dựng cơ sở nhà kho, hệ thống nước tưới; chi phí kiểm định chứng nhận GlobalGAP; thu mua và xuất khẩu sản phẩm.
(Theo Sở KH&CN An Giang)
Các tin mới hơn :
Các tin đã đưa :
tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung. tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền. Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia. Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com Mobile: 098 300 6168. Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++ |