Tôi đến thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam vào các ngày từ 22 đến 25 tháng 3 năm 2002. Mục đích của chuyến đi là để tìm hiểu về sự phát triển của cá Xiêm bên ngoài đất nước Thái Lan. Tôi nghe nói nhiều về dòng cá đá Việt Nam từ các bạn bè và khách hàng, loại cá đá nổi tiếng có vảy cứng và cấu trúc cơ thể cân đối.
Chuyến đi có kết quả là nhờ sự giúp đỡ tận tình của một người bạn Việt Nam trong suốt 3 ngày tôi ở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi muốn bày tỏ sự biết ơn về lòng hiếu khách của người bạn ấy và dĩ nhiên, chúng tôi cũng có trao đổi một số cá đá với nhau.
Có hai chủ đề mà chúng ta đề cập đến ở đây, thứ nhất đó là loại cá đá thực sự ngoài trường đấu và thứ hai là phương pháp lai tạo ra những con cá đá tốt. Tôi phát hiện ra rằng không có nhiều khác biệt về khía cạnh thực hành giữa hai nước.
Bởi vì tôi lưu lại Việt Nam một thời gian ngắn cho nên những ý kiến được đưa ra ở đây chỉ dựa trên sự quan sát bên ngoài. Tất cả những thông tin và ý kiến mà tôi trình bày ở đây chỉ là ý kiến cá nhân mà thôi và tôi tự chịu trách nhiệm đối với mọi sai sót nếu có. Tôi rất biết ơn nếu có người chỉ ra những điểm sai sót như vậy.
Giới thiệu sơ lược về cá đá ở Việt Nam
Người Việt Nam gọi cá đá Thái Lan là “cá Xiêm” nghĩa là “cá xuất xứ từ nước Xiêm”. Một nhà lai tạo nói với tôi rằng cá Xiêm thâm nhập vào Việt Nam cách nay trên 100 năm. Ông ta hiện trên 50 tuổi, cha và ông của ông ta cũng là những nhà lai tạo cá Xiêm. Ông nói rằng những Hoa kiều là những người đầu tiên đem cá vào Việt Nam. Tôi tin rằng những nhà buôn người Hoa và những thủy thủ là những người đầu tiên đem cá đá Xiêm vào Việt Nam. Vào năm 1840, dưới thời vua Rama III ở Thái Lan, đây được xem như là thời kỳ buôn bán trên biển sầm uất nhất của người Hoa ở Thái Lan (đây cũng là năm mà vua Rama III giới thiệu cá đá Xiêm với Theodor Cantor, người mà sau này giới thiệu chúng với thế giới phương Tây). Những thủy thủ người Hoa chơi đá cá để giải trí trong thời gian lênh đênh trên biển. Khi cập bến, họ mang cá lên bờ và giới thiệu trò chơi này với người địa phương. Chỉ có người dân ở Đông Nam Á mới du nhập trò chơi này vào đời sống hàng ngày, trái lại ở một số nước khác người ta lại không hề quan tâm. Tôi tin rằng các tuyến đường bộ ở vùng Đông Nam Á cũng góp phần vào việc phổ biến trò đá cá Xiêm. Những mối quan hệ và giao lưu giữa các dân tộc cũng giúp trò này trở nên phổ biến hơn ở Đông Nam Á. Việc lai tạo, nuôi dưỡng và chơi đá cá trở thành một hoạt động độc đáo và dễ chấp nhận trong cộng đồng dân cư ở những quốc gia này.
Khi lần đầu tiên được thấy cá đá Việt Nam, chúng làm tôi nhớ đến loại cá đá mà tôi từng thấy hồi nhỏ. Tôi nhớ rằng đó là loại Plakat Thái thân ngắn và dày. Cá đá Việt Nam có thân dạng bản rô với cấu trúc cơ thể rất ngắn và dày. Dạng thân này rất hiếm và khó thấy ở Thái Lan ngày nay vì hầu hết các nhà lai tạo ở Thái Lan phát triển cá có dạng bản lóc để đá thật nhanh và kết thúc trận đấu một cách chóng vánh. Tôi cho rằng thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam đã cô lập dòng cá đá này và làm gián đoạn mọi sự trao đổi qua lại với những quốc gia khác. Cá đá Việt Nam rất độc đáo và vẫn duy trì kiểu mẫu của cá Xiêm truyền thống. Rất khó phân biệt dòng cá đá Thái với Malaysia bởi vì người ta giao lưu và trao đổi cá với nhau rất thường xuyên. Tuy nhiên, tôi đoán chắc rằng trong tương lai dòng cá đá Việt Nam sẽ phát triển tương tự với dòng cá đá ở Thái Lan và Malaysia hiện tại. Vài nhà lai tạo nói với tôi rằng họ nhập cá đá từ Thái Lan và Malaysia về để đem lai với cá của họ.
Trường đá cá ở Việt Nam
Có vài điểm khác biệt nhỏ giữa các trường đá cá ở Thái Lan và Việt Nam, chẳng hạn như loại lọ đá cá, cách cáp cá và vài luật lệ được áp dụng bởi các trọng tài. Có 5 điểm mà chúng ta cần thảo luận:
- Trường đá cá
- Thành phần tham dự
- Lọ đá cá
- Cách cáp cá
- Cách thả cá vào lọ đá cá
Trường đá cá
Tôi viếng thăm hai trường đá cá ở Việt Nam. Trường thứ nhất nằm trong khu phố người Hoa còn trường thứ hai nằm ở ngoại ô thành phố. Trong hai ngày, tôi thấy có nhiều người tham dự vào cả hai trường đấu.
Trường đấu thứ nhất nằm trong khu phố người Hoa, sau khi quẹo quanh vài con phố nhỏ, cuối cùng chúng tôi đến một tiệm nhỏ trong khu hàng thủ công. Chúng tôi bước vào tiệm rồi ra đàng sau nhà thì đến nơi. Có khoảng 30 người tham gia trường đấu, lọ đá cá đặt ở trên bàn, mọi người quây quần xung quanh bình phẩm, nói cười, cáp cá, thách đấu và đặt cược với nhau. Không ai để ý đến cái nóng nực và ẩm ướt trong phòng. Mọi người quá chú tâm vào cá đá ở trước mặt và họ đều biết rằng nếu rời chỗ là bị người khác chiếm mất ngay. Người tổ chức trường đấu cũng bán cả thức ăn và nước giải khát để giúp mọi người có thể trụ vững cho đến khi trận đấu kết thúc. Trường đấu đóng cửa lúc 5 giờ chiều. Những điều kể trên tương tự như ở các trường đá cá Thái Lan.
Thành phần tham dự
Hầu hết những người tham dự trường đá cá đều là đàn ông, độ tuổi từ 25 đến 60. Mặc dù có sự khác biệt lớn về tuổi tác giữa họ nhưng tôi không thấy có khúc mắc gì trong sự quan hệ. Mọi người đều nói chuyện và trường đá cá trở thành trung tâm tập hợp những người thuộc nhiều thành phần xã hội cùng chia xẻ một sở thích. Tôi không có cơ hội để hỏi mỗi người về nghề nghiệp của họ nhưng tôi tin rằng nhiều người trong số họ cũng có nghề nghiệp như những người đá cá ở Thái Lan. Những người đá cá ở Thái Lan bao gồm các nhà lai tạo, dân cá độ chuyên nghiệp, nhà kinh doanh tư nhân, hưu trí và người làm việc bán thời gian.
Lọ đá cá
Người Việt Nam sử dụng lọ đá cá nhỏ hơn, chai tròn khoảng nửa lít. Ở trường đá cá Thái, chúng tôi sử dụng loại lọ vuông khoảng 2 lít và cao. Tôi cho rằng kích thước và hình dạng của lọ đá cá có thể ảnh hưởng rất nhiều đến lối đá của cá.
Cách cáp cá
Người ta cáp cá bằng cách quan sát từ phía trên để xác định kích thước của cá. Không hề có loại lọ chuẩn nào để cáp cá. Tuy nhiên, tôi thấy loại lọ thường được sử dụng để cáp cá có hình tròn cỡ lọ Nescafe loại nhỏ. Một số người dùng giấy dán xung quanh lọ cá với mục đích ngăn cản bạn quan sát cá từ mặt bên, bạn chỉ có thể quan sát cá từ phía trên. Cách cáp cá như vậy khác với cách của người Thái. Người Thái sử dụng chai rượu whiskey vuông để cáp cá, người ta có thể quan sát cá từ mặt bên và cấu trúc cơ thể tổng quát của cá. Với cách này người cáp cá có thể thấy được hai đặc điểm rất quan trọng về kích thước của cá đó là đầu và mặt bên hay vùng gốc đuôi của cá; hai vùng này đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cáp kích thước cá. Tất nhiên, con cá lớn hơn có nhiều cơ hội để thắng trận hơn. Cá phải lớn và có cấu trúc cơ thể cân đối. Mặt khác, nếu chúng ta cáp cá bằng cách quan sát từ phía trên thì chỉ biết có cổ và chiều dài thân mà không thể biết mặt bên của cá như thế nào. Với những gì tôi thấy thì nhiều trận đấu diễn ra giữa một con nhỏ với một con lớn hơn, con nhỏ hơn tất nhiên bị đá bại một cách dễ dàng. Tuy nhiên, tôi cũng thấy một ưu điểm từ cách quan sát như thế này. Bởi vì người chơi không hề quan sát cá qua lớp thủy tinh, họ có thể thấy kích thước thực của cá một cách rõ ràng hơn. Trong khi với chai whiskey vuông hay loại lọ khác, một số người có thể sử dụng loại chai mà khi quan sát sẽ thấy cá nhỏ đi để lừa những người đá cá khác. Có loại lọ làm cho cá trông có vẻ nhỏ hơn kích thước thực sự của chúng.
Người chơi cẩn thận quan sát cá từ phía trên.
Lọ đá cá vuông và vợt múc cá ở Thái Lan.
Cách thả cá vào lọ đá cá
Người chơi sử dụng một cái muỗng nhỏ múc cá thả vào lọ đá cá. Khi cuộc đấu bắt đầu thì người ta mới đặt cược. Việc cược thêm thường diễn ra trong nửa tiếng đầu tiên khi mà người chơi nghĩ rằng cá của họ có lợi thế hơn cá đối phương. Mỗi trận đấu thường diễn ra trong 3 giờ. Tuy nhiên, có một số trận đấu kéo dài cả ngày cho đến giờ đóng cửa trường đấu lúc 5 giờ chiều. Mọi trận đấu kéo dài quá thời điểm này đều được coi như hòa.
Lai tạo
Không có điểm khác biệt nào giữa lai tạo cá đá ở Thái và Việt Nam. Nhà lai tạo sử dụng một cái chậu để cho cá đẻ rồi đem cá bột nuôi ở lu lớn. Cá con được nuôi 2-3 tháng rồi nhà lai tạo tách cá đực ra đem nuôi riêng ở hồ lớn hơn.
Nhà lai tạo đổ cá bột từ chậu vào lu.
Hồ nuôi
Có hai loại hồ nuôi. Loại hồ đào được tráng xi-măng và loại hồ đào tự nhiên với cây cỏ và bờ đất. Cả hai loại đều có ưu nhược điểm riêng. Với loại hồ xi măng thì nhà lai tạo có thể điều khiển được môi trường và thành phần nước, đồng thời dễ điều chỉnh kích thước cá và chữa bệnh. Tuy nhiên, với loại hồ này nhà lai tạo phải tốn nhiều tiền thức ăn hơn do cá thiếu nguồn thức ăn tự nhiên và cá cũng dễ bị căng thẳng hơn do thiếu lớp bùn dưới đáy để chúng lẩn trốn. Nuôi cá trong hồ đào tự nhiên có điểm thuận lợi là các cây cỏ tạo thành môi trường tự nhiên cho cá sinh sống. Cá ở đây thường lớn rất nhanh và mạnh khỏe. Tuy vậy, nuôi cá ở hồ tự nhiên có nguy cơ mất cá khi hồ bị tràn nước.
Nhà lai tạo có thể di chuyển cá đến hồ lớn hơn nhiều lần. Đây là lần cuối cùng cá được nuôi trước khi đem đi đá. Hồ có diện tích khoảng 1 m2 và sâu khoảng 1 m, được thả nhiều bèo và rong. Tuy nhiên, nếu ở hồ đào thì cá con có thể được nuôi ở đó cho đến khi đủ lớn để đem đi đá.
Hồ xi-măng
Hồ đào tự nhiên
Sau khi cách ly riêng mỗi con cá khoảng 7 ngày, nhà lai tạo sẽ thả cá vào lọ tròn, loại tương tự được sử dụng ngoài trường đấu, bây giờ cá sẵn sàng để được huấn luyện. Trong 15 ngày chúng được huấn luyện bằng cách quậy nước trong một cái lọ lớn rồi được nghỉ nghơi 3 ngày. Cách huấn luyện này khác với cách của người Thái. Các nhà lai tạo thả một con cá cái lớn vào lọ và cho cá đực rượt trong 6 ngày. Cá đực sẽ phát triển cơ bắp và mức độ hung dữ vì bị kích thích bản năng sinh sản, tấn công và phòng vệ tự nhiên của loài. Vài nhà lai tạo Thái sử dụng phương pháp quậy nước kết hợp với rượt đuổi cá cái.
Kết luận
Nhìn chung không có nhiều khác biệt giữa hoạt động đá cá ở Thái Lan và Việt Nam. Việc nuôi dưỡng, huấn luyện và sử dụng dụng cụ có thể khác nhau đôi chút. Cấu trúc cơ thể cá có khác biệt nhưng tôi không thấy nhiều khác biệt về ý nghĩa của trò chơi. Cả hai đều có những điểm thuận lợi và bất lợi riêng. Cá đá Thái tuy nhỏ con nhưng lại đá rất nhanh và có nhiều mánh lới, trong khi cá đá Việt Nam lớn con hơn, đá rất mạnh nhưng lại chậm chạp. Điều chắc chắn là không có điều gì trên đời này được hoàn hảo cả. Điều mà tôi thấy rất thú vị đó là sự tương đồng giữa những nhà lai tạo ở cả hai quốc gia. Họ rất tử tế và khiêm tốn; họ sống rất đơn giản. Dù có điểm khác biệt, chúng ta đều nói về một điều và học hỏi lẫn nhau.
=================
Tác giả: Precha Jintasaerewonge (Website www.plakatthai.com)
Người dịch: Nguyễn Trung Đại (Bí danh vnreddevil trên Diễn đàn Cá cảnh)
(Theo sinhhocvietnam.com)
Các tin mới hơn :
Các tin đã đưa :
tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung. tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền. Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia. Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com Mobile: 098 300 6168. Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++ |