Căn bệnh giống AIDS ở loài tinh tinh hoang dã

Một nhóm nghiên cứu gia quốc tế đã phát hiện ra rằng, những con tinh tinh hoang dã tự nhiên bị nhiễm virus gây suy giảm hệ miễn dịch ở khỉ (SIV) – loại virus gây hại cho loài khỉ không đuôi – có thể mắc 1 hội chứng giống bệnh AIDS và tử vong. Các kết quả nghiên cứu này được đăng trên số ra ngày 23/7 của Tạp chí Nature.

 

Các khoa học gia biết rằng virus HIV-1 gây bệnh AIDS lần đầu tiên xuất hiện ở loài người là bị lây nhiễm từ loài tinh tinh. Virus SIV này có nhiều hình dạng khác nhau, phần lớn các loài khỉ Châu Á đều bị nhiễm virus này. Mặc dù chỉ có số liệu về một số loài này, nhưng tất cả bằng chứng từ trước đến nay đều cho thấy rằng các virus SIV ở khỉ đều không gây bệnh cho các ký chủ tự nhiên của chúng.

Tiến sĩ Beatrice Hahn – giáo sư y học đến từ Trường Đại học Alabama ở Birmingham cho biết rằng: “Tất cả chúng tôi đều cho rằng, điều này cũng tương tự ở loài tinh tinh nhưng hoá ra trong trường hợp này lại ngược lại. Dĩ nhiên tinh tinh không phải là khỉ. Tinh tinh và con người rất giống nhau về gien, vì thế có lẽ chúng ta cũng không nên ngạc nhiên khi thấy những virus này gây bệnh cho cả ký chủ”.

Cuộc nghiên cứu này tập trung vào loài tinh tinh ở công viên quốc gia Gombe. Trong gần 50 năm, nhà nghiên cứu về động vật linh trưởng Goodall và các đồng sự của cô đã nghiên cứu những con tinh tinh ở Gombe, giám sát sinh học và hành vi của chúng.

Các nghiên cứu gia đến từ sở thú Lincoln và Trường Đại học Illinois hợp tác với Viện Jane Goodall và các công viên quốc gia ở Tanzania đã thiết lập 1 chương trình kiểm tra sức khoẻ tinh tinh ở Gombe.

Trong 9 năm qua, nhóm nghiên cứu đã giám sát tình trạng nhiễm SIV của những con tinh tinh ở Gombe. Có thể xác định từ các mẫu phân của những con tinh tinh bị nhiễm ngay từ đầu cuộc nghiên cứu và trong thời gian nghiên cứu. Ở bất kỳ thời điểm nào trong thời gian nghiên cứu đó thì cũng có khoảng 10-20% tinh tinh bị nhiễm SIV dương tính.  Các bản phân tích đã cho thấy rằng những con tinh tinh bị nhiễm SIV đó có nguy cơ tử vong nhiều gấp 10-16 lần so với những con chưa bị nhiễm.

Theo giáo sư ngành nhân loại học Jamie Holland Jones đến từ Trường Đại học Stanford, “tại thời điểm này chúng tôi không biết chính xác lắm về mức độ ảnh hưởng của virus này, bởi vì số lượng tinh tinh được khảo sát vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, rõ ràng rằng những con khỉ bị nhiễm virus này đều có tỷ lệ sống sót thấp hơn.”

Nhóm nghiên cứu còn nhận thấy rằng, những con cái bị nhiễm virus này ít có khả năng sinh con hơn, và con do mẹ bị nhiễm bệnh sinh ra có cơ may sống sót thấp.

Có thêm 1 bằng chứng nữa qua việc mổ tử thi do các nhà nghiên cứu về bệnh ở động vật đến từ Trường Đại học Illinois thực hiện. Một dấu hiệu xác nhận bị nhiễm virus HIV-1 ở người đó là mất các tế bào T CD4+, những tế bào này là thành phần thiết yếu của hệ miễn dịch và sự suy yếu của những tế bào này làm cho bệnh nhân dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác – đây chính là các triệu chứng của bệnh AIDS.

Các bản phân tích do Jale Estes – một nghiên cứu gia đến từ Viện Nghiên cứu Ung thư Quốc gia khẳng định rằng, có một mối liên quan giữa việc nhiễm SIV với sự suy giảm tế bào T CD4+ ở những con tinh tinh này.

“Trước đây, chúng tôi nghĩ rằng SIV không thể gây bệnh cho tinh tinh. Nay thì chúng tôi biết rằng điều đó là có thể”, nghiên cứu gia về động vật linh trưởng Elizabeth Lonsdorf đến từ  sở thú Lincoln cho biết.

Kết quả nghiên cứu cho rằng SIV gây bệnh ở tinh tinh mở ra rất nhiều hướng nghiên cứu mới.

(Theo Snowwhite (Physorg) // Sở KHCN Đồng Nai )

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++