Trong một bài viết trên tạp chíNature, các nhà khoa học của Trung tâm Vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian, Mỹ - cho biết, hành tinh nói trên cách chúng ta khoảng 42 năm ánh sáng, có bán kính gấp 2,7 lần trái đất và xoay quanh một ngôi sao lùn đỏ có kích thước bằng 1/5 mặt trời. Nó được đặt tên GJ 1214b.
Mặc dù có nước song do nằm quá gần ngôi sao lùn đỏ nên nhiệt độ trên hành tinh này quá cao - từ 120 tới 280 độ C. Vì vậy sự sống khó có thể tồn tại trên đó. GJ 1214b xoay một vòng quanh ngôi sao trong 38 giờ.
"Mặc dù GJ 1214b rất nóng, song có nhiều dấu hiệu cho thấy nó chứa nước. Nó là hành tinh nhỏ nhất, lạnh nhất và giống trái đất nhất trong số những hành tinh ngoài hệ Mặt Trời mà con người đã tìm thấy", Zachory Berta, một nhà khoa học của Trung tâm Vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian, phát biểu.
|
Hình minh họa GJ 1214b xoay quanh ngôi sao lùn đỏ có kích thước bằng 1/5 mặt trời. Ảnh:Newscientist. |
Newscientistsuy đoán GJ 1214b được tạo nên chủ yếu bởi nước vì thể tích của hành tinh này lớn gấp 19 lần trái đất nhưng khối lượng của nó chỉ gấp 6,6 lần.
Geoffrey Marcy - một nhà thiên văn của Đại học California, Mỹ - đồng ý với suy đoán trên.
"Mật độ vật chất của GJ 1214b rất thấp. Mỗi cm khối trên hành tinh đó chỉ có 1,9 g vật chất. Điều này chứng tỏ nó chứa rất nhiều nước. Tôi nghĩ nước chiếm 50% khối lượng hành tinh", Marcy phát biểu vớiAFP.
TheoNewscientist, các tính toán chứng tỏ rằng GJ 1214b phải có bầu khí quyển.
"Nếu GJ 1214b thực sự chứa nước, nó sẽ là bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của những hành tinh có nước", Sara Seager, một chuyên gia thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, nhận xét.
Các mô hình lý thuyết của Seager cho thấy, ban đầu GJ 1214b có thể hình thành ở vị trí khá xa ngôi sao lùn đỏ nên nhiệt độ bề mặt tương đối thấp. Tình trạng đó khiến nước đóng băng trên bề mặt hành tinh, giống như vệ tinh Ganymede của sao Mộc. Sau đó hành tinh dịch chuyển vào một quỹ đạo hẹp hơn khiến nó gần ngôi sao hơn. Nhiệt độ trên hành tinh tăng khiến các lớp băng tan thành nước. Một bộ phận nước bốc hơi và tạo nên bầu khí quyển của GJ 1214b. Seager cũng đưa ra nhiều giả thuyết khác về sự hình thành của bầu khí quyển trên GJ 1214b, chẳng hạn như hoạt động của núi lửa.