Thần Châu 6 sắp sửa bay vào vũ trụ

Ngày 4.10, Trung Quốc (TQ)  đã hoàn thành việc lắp ráp tàu Thần Châu 6 tại Trung tâm phóng tàu vũ trụ Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc. Theo dự kiến, vào ngày 13.10, lần thứ hai TQ đưa con người bay vào vũ trụ với hai phi hành gia trong thời gian 5 ngày.

Từ năm 1999 đến năm 2002, các tàu từ “Thần Châu 1”  đến “Thần Châu 4” không người lái lần lượt được phóng thành công với hàng nghìn vòng bay quanh trái đất.  Đó là sự chuẩn bị và là tiền đề vững chắc cho chuyến bay có người lái đầu tiên bằng tàu "Thần Châu 5” do TQ sản xuất.  Sau thành công vang dội này, TQ không ngừng nghiên cứu, phát triển con tàu “Thần Châu 6” để sắp tới đây, lần đầu tiên hai nhà du hành TQ cùng nhau sống và làm việc trên vũ trụ trong 5 ngày.

Tàu “Thần Châu 5” được thiết kế cho một người với thời gian bay là 21 giờ, còn thời gian bay của “Thần Châu 6” là 5 ngày (tàu được thiết kế cho hành trình 7 ngày), các phi hành gia sẽ sinh hoạt và triển khai các thực nghiệm khoa học ở khoang quỹ đạo.

Do có hai người nên sự phân công công việc giữa hai nhà du hành rất rõ ràng. Người ngồi bên phải là chỉ huy, còn người ngồi bên trái sẽ thực hiện thao tác.

Người chỉ huy dựa vào bảng trình tự thao tác đặt trước mặt, và chỉ huy từng thao tác bằng một chiếc gậy. Trong quá trình bay lên, do phải mặc bộ quần áo phi hành gia, hai nhà du hành chỉ có thể đối thoại với người chỉ huy ở mặt đất qua micro, còn giữa họ với nhau chỉ có thể trao đổi bằng cử chỉ. Việc này đòi hỏi giữa họ phải có sự ăn ý tuyệt đối và không được có một sơ xuất nhỏ nào. Sau khi tàu đi vào quỹ đạo, các nhà du hành có thể cởi bỏ bộ quần áo cho phi hành gia và nói chuyện trực tiếp với nhau. Một người sẽ chuyển vào khoang quỹ đạo để tiến hành thực nghiệm khoa học, người còn lại sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với chỉ huy mặt đất.

Điểm nhấn trong thiết kế của tàu “Thần Châu 6” là sự ưu việt hoá trong việc bố trí tàu, giảm nhẹ các phần kết cấu nặng, sắp xếp hợp lý thiết bị tăng thêm trong khi làm việc trên quỹ đạo, bảo đảm cân bằng năng lượng, nâng cao tính an toàn và độ tin cậy cho con tàu. Tàu “Thần Châu 6” là sự tổ hợp của các khoang như khoang quỹ đạo, khoang phản hồi, khoang đẩy, tháp nhảy cứu nạn và đoạn quá độ. Trong đó, khoang phản hồi và khoang quỹ đạo là nơi hai phi hành gia ở trong quá trình phóng tàu, trở về và bay.

Tháp nhảy cứu nạn nằm ở phần đầu của phi thuyền với chiều cao 8m. Tháp chính là tên lửa vận tải cỡ nhỏ được tổ hợp thành từ một loạt động cơ phóng tên lửa. Trong khoảng cách từ 0-100km kể từ khi phóng tàu, nếu xảy ra sự cố, tháp cứu nạn lập tức khởi động, khoang trở về và khoang quỹ đạo tách khỏi tên lửa, và tiếp đất an toàn bằng dù.

Giống như “Thần Châu 5”, phi hành đoàn sẽ vẫn tiếp đất ở khu vực sa mạc miền trung của tỉnh Nội Mông. Hiện nay công việc chuẩn bị đón con tàu trở về và công tác tìm kiếm cứu hộ được chuẩn bị kỹ càng và luôn ở trạng thái sẵn sàng. Khu vực tàu tiếp đất đảm bảo được các yêu cầu nghiêm ngặt như vị trí phải nằm trong quỹ đạo vận hành của tàu, khu vực tàu tiếp đất không được phép hút thuốc, thậm chí tỷ lệ cây cối cũng không được vượt quá 1/1.000 để tránh tổn thương đến con người…

Ở trên phi thuyền cách mặt đất 400km, một ngày đêm chỉ có 1,5 giờ, tức là một ngày ở mặt đất bằng 16 ngày đêm trên vũ trụ. Trong năm ngày, các nhà du hành đã trải qua 80 ngày đêm trên phi thuyền. Các nhà du hành được tập luyện với các thiết bị tối tân để có thể thích ứng với điều kiện làm việc trên tàu. Các nhà du hành được lựa chọn phải đảm bảo được 5 khả năng siêu việt:

Thứ nhất: Tự điều chỉnh đồng hồ sinh học. Do cơ thể tự điều chỉnh đồng hồ sinh học theo ánh mặt trời, nên họ phải tự điều

chỉnh được cơ thể có thể ngủ hoặc tỉnh dậy bất kỳ lúc nào mà tinh thần vẫn luôn tỉnh táo. Để làm được điều này, các nhà du hành phải rèn luyện trong 5 năm.

Thứ hai: Tự điều chỉnh nhịp tim - Nhịp tim phải đảm bảo duy trì đều khoảng 70 lần/phút.

Thứ ba: Có khả năng kiêm nhiệm công việc. Tàu “Thần Châu 6” có thể chứa được 3 nhà du hành nhưng thực tế chỉ có hai nhà du hành bay trên con tàu, trong quá trình bay, họ vẫn phải lái tàu, kiểm tra, bảo dưỡng hàng ngày và còn phải thực hiện một số thí nghiệm khoa học.

Thứ tư: Có kỹ năng đặc công. Mỗi phi hành gia của tàu “Thần Châu 6” được trang bị một dao găm, một súng ngắn và một bình nước màu. Trong trường hợp đặc biệt, khi tiếp đất có sự sai lệch về vị trí, các đồ vật được trang bị sẽ giúp họ tự vệ. Chẳng may bị rơi xuống biển, bình nước màu sẽ làm cho nước biển xung quanh họ đổi sang màu vàng cam và giúp họ tránh được sự tấn công của cá mập.

Thứ năm: Phải chịu được áp lực trọng lực gấp 10 lần trong khi tàu được phóng lên.

6 nhà du hành được tuyển chọn vẫn đang ngày đêm tập luyện cho chuyến bay, họ sẽ được chia làm 3 nhóm, trong đó Nhiếp Hải Thắng và Địch Chí Cương là nhóm có nhiều khả năng được lựa chọn nhất. Hai nhà du hành này là hai trong ba người lọt vào vòng “bán kết” cùng với Dương Lợi Vĩ. Nhưng quyết định cuối cùng về người thực hiện chuyến bay chỉ được đưa ra trước khi phóng tàu 5 giờ đồng hồ.

Thời gian phóng tàu dự kiến vào 11 giờ trưa (giờ Bắc Kinh), tức 3 giờ GMT ngày 13.10, nhưng theo một số nguồn tin, cũng có thể việc phóng tàu sẽ tiến hành sớm hơn một ngày. Điều này còn phụ thuộc vào thời tiết...

(Theo Tạp chí hoạt động khoa học )

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++