Nước trên Mặt Trăng đến từ đâu?

Năm 2009 sẽ được ghi nhớ như một năm mà lần đầu tiên con người tìm thấy sự hiện diện của nước ngay trên Mặt Trăng. Nhưng một câu hỏi được đặt ra, nước trên Mặt Trăng đến từ đâu?

Đầu năm nay, tàu thăm dò Mặt Trăng của NASA và tàu vũ trụ Chandrayaan 1 của Ấn Độ đã phát hiện được những dấu vết hóa học của nước trên Mặt Trăng.

Ngày 13/11, NASA đã chính thức tuyên bố tìm thấy một lượng nước lớn trên Mặt Trăng sau thử nghiệm quyết định của họ. Tàu thám hiểm LCROSS (viết tắt của từ Vệ tinh viễn thám và quan sát các hố Mặt Trăng) đã phóng một quả tên lửa vào miệng núi lửa Cabeus, gần cực nam Mặt Trăng gây nên một vụ nổ lớn và phát hiện về nước đã được đưa ra sau khi phân tích quang phổ về lượng vật chất bắn ra sau vụ nổ. 

Ảnh chụp một số miệng núi lửa từ tàu vũ trụ Chandrayaan 1 của Ấn Độ. Những khoáng vật giàu nước hện ra trong ảnh bên trái có màu xanh dương nằm xung quanh những miệng núi lửa.

Peter Schultz, ĐH Brown, một nhà khoa học tham gia dự án LCROSS đặt câu hỏi về sự có mặt của nước trên Mặt Trăng: “Liệu nước mới xuất hiện trên mặt trăng hay đã có từ hàng tỷ năm?”. Hiện tại, có ba giả thuyết chính về sự hiện diện của nước trên Mặt Trăng.

1. Chính các núi lửa cổ xưa đã phun nước lên bề mặt Mặt Trăng 

Nước trên bề mặt có thể có do được phun lên từ trong lòng Mặt Trăng vào thời điểm khi lõi của cúa nó còn rất nóng.

Một giả thuyết được đưa ra là ngay ban đầu trên Mặt Trăng đã có nước, tức nó chính là một trong những thành phần lúc tạo nên vệ tinh này, cũng giống như Trái Đất.

Paul Spudis, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu các hành tinh và Mặt Trăng được NASA tài trợ, giải thích: Theo ý tưởng này thì nước được tập trung ở bên trong Mặt Trăng. Trong quá khứ xa xôi thì Mặt Trăng đã "chết" nhưng bên trong vẫn có cái lõi rất nóng như ở Trái đất. Sự vận động phun trào của các núi lửa đã từ từ đẩy nước lên bề mặt, nơi mà nó bị đông lạnh cho đến tận bây giờ.

2. Nước được chế tạo ngay trên bề mặt Mặt Trăng 

Những luồng gió Mặt Trời liên tục thổi về phía Mặt Trăng mang theo các ion Hydro điện tích dương có thể kết hợp với các khoáng chất giàu Oxy để tạo nên nước.

Một số nhà khoa học lại cho rằng nước trên Mặt Trăng có thể được tạo ra ngay trên bề mặt của nó với sự giúp đỡ từ Mặt Trời.

Theo giả thuyết này thì Mặt Trời không ngừng phát ra một dòng các hạt mang điện tích, gọi là gió Mặt Trời. Các ion Hydro điện tích dương, hay các proton từ gió Mặt Trời có thể lao tới Mặt Trăng và tương tác với các khoáng vật giàu oxy ở đây để tạo ra các phân tử nước.

Schultz, ĐH Brown, cho rằng: “Nếu đúng vậy, sự hình thành nước thông qua gió Mặt Trời sẽ là một quá trình rất chậm. May mắn lắm một ngày mới tích lũy được một phân tử nước”.

3. Các tiểu hành tinh và sao chổi mang nước tới Mặt Trăng 

Bề mặt lỗ chỗ của Mặt Trăng không chỉ có các miệng núi lửa mà còn có rất nhiều vết tích va chạm với sao chổi và thiên thạch. Biết đâu một trong số chúng đã mang theo nước tới.

Một số người cho rằng nước trên Mặt Trăng có thể là món quà được sao chổi hay các tiểu hành tinh ướt át mang tới qua những vụ va chạm trong quá khứ xa xưa. Hầu hết nước từ một tác động như vậy sẽ bắn ra vào không gian, nhưng có một số phần tử chậm chạp có thể được giữ lại bởi lực hấp dẫn của Mặt Trăng.

Spudis cho biết: “Một ý tưởng là các sao chổi hay thiên thạch đã lao vào Mặt Trăng và tạo ra một đám mây hơi nước treo lơ lửng ngay phía trên bề mặt của Mặt Trăng. Cuối cùng, một lượng nước đã di chuyển đến các vùng cực, nó có thể được giữ lại trong một "cái bẫy lạnh” (vùng thời tiết giá lạnh vĩnh cửu nơi mà ánh sáng Mặt Trời không thể chiếu tới)

(Theo Báo Đất Việt/National Geographic)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++