Bức ảnh đầu tiên về hành tinh ngoài hệ mặt trời

Các nhà khoa học Đức đã trở thành những người đầu tiên chụp được chân dung của một hành tinh ngoài thái dương hệ, không lâu sau khi hai nhóm nghiên cứu khác bắt được ánh sáng của những vật thể tương tự.

Trước đó, người ta đã tìm thấy gần 150 hành tinh ngoài hệ mặt trời, nhưng tất cả chúng đều được phát hiện gián tiếp, hoặc bằng cách quan sát sự mờ đi của ngôi sao khi hành tinh đi qua trước mặt, hoặc do sự chao nghiêng của ngôi sao do lực hấp dẫn mà hành tinh gây nên.

Việc chụp ảnh hành tinh trực tiếp là cực kỳ khó khăn vì quầng sáng chói lòa của ngôi sao át hết ánh sáng mà hành tinh phản xạ ra. Tuy nhiên, trong trường hợp ngôi sao GQ Lupi, hành tinh nằm xa sao mẹ, còn trẻ và ấm, do đó nó phát ra ánh sáng hồng ngoại khá rực rỡ.

Theo hai phương pháp, Ralph Neuhauser và cộng sự tại Đài quan sát Đại học và Viện vật lý thiên văn ở Jena, Đức, đã xác nhận rằng anh bạn đồng hành của GQ Lupi thực ra là một hành tinh, chứ không phải là một ngôi sao nền mờ nhạt ở bên cạnh.

Đầu tiên, họ nhận thấy vật thể này tuy ấm, nhưng vẫn lạnh hơn một ngôi sao. Sau nữa, một loạt ảnh chụp GQ Lupi từ năm 1999 đến 2004 cho thấy khoảng cách giữa hai thiên thể này không thay đổi, có nghĩa là chúng phải di chuyển cùng nhau.

"Giờ đây chúng ta đã có một bức ảnh trực diện, đồng nghĩa với việc có thể bắt đầu tìm hiểu cấu tạo bầu khí quyển và đo nhiệt độ của nó", Ray Jayawardhana, một chuyên gia về sự hình thành hành tinh tại ĐH Toronto, Canada, người không liên quan đến nghiên cứu, nhận định. Ông cũng nói thêm rằng "nghiên cứu mở ra một triển vọng hoàn toàn mới cho khoa học hành tinh".

Những tháng gần đây, các nhà thiên văn khác cũng thông báo những khám phá có liên quan. Tháng 1/2005, một nhóm nghiên cứu công bố bức ảnh một hành tinh đang bay quanh một sao lùn nâu. Tháng 3, hai nhóm nghiên cứu tuyên bố họ đã phát hiện được ánh sáng từ các hành tinh khí lớn, bay quanh những ngôi sao giống như mặt trời. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là quan sát trực tiếp (các nhà khoa học chỉ so sánh ảnh hồng ngoại khi hành tinh ở bên cạnh và phía sau ngôi sao. Sự khác biệt về cường độ sáng quan sát ở hai vị trí được tính là phát ra từ hành tinh).

Hành tinh (b) đang bay quanh ngôi sao GQ Lupi (A) ở khoảng cách lớn gấp 20 lần giữa mặt trời và sao Mộc. GQ Lupi nằm cách chúng ta 400 năm ánh sáng

( theo Tạp chí hoạt động khoa học )

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++