Khám phá thế giới côn trùng

Các nhà khoa học phát hiện, côn trùng hành động một cách thông minh dựa vào trí tuệ bầy đàn, và kiến thậm chí có cá tính...Ẩn trong sự xuất hiện với số lượng lớn của các loài sinh vật này là sự thông minh có tính bầy đàn, là cách thức liên lạc giữa các cá thể với tập thể trong cùng một tổ chức khổng lồ.

"Thế giới tự nhiên đã thúc đẩy thế giới sinh vật tiến hóa theo hai cách khác nhau để thực hiện những hành động thông minh", John Downer, đạo diễn chuỗi phim khoa học về các loài côn trùng này nói. "Một cách là để phát triển những bộ não lớn và tinh vi trong các sinh vật cá thể như con người và cách khác là hàng triệu những bộ não nhỏ có khả năng liên lạc với nhau trong những bầy đàn khổng lồ này".

Downer là nhà sản xuất đã dành được nhiều giải thưởng với loạt phim được đánh giá cao như: Siêu tự nhiên và Thiên nhiên kỳ bí. Hiện ông đang mạo hiểm tìm hiểu trái tim của những bầy đàn này và làm cách nào mà vô số những sinh vật này có cái nhìn về thế giới của chúng ta.

Khi nhìn vào hình ảnh dưới đây chúng ta có cảm giác rùng mình và không hiểu 2 chiếc ô tô đang bị chìm trong không gian của hàng vạn những con côn trùng. Thực chất đó là một đàn châu chấu khổng lồ đang phá hoại mùa màng, chúng ăn tất cả mọi thứ trên đường bay của mình.

Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, dường như đang tồn tại những đám "khói" bốc lên từ hồ Victoria của Châu Phi và bay lượn trên mặt nước.  Nhìn gần hơn, đó chính là đám mây do loài muỗi vằn tạo nên thường thấy trong mùa mưa của lục địa này. Được hình thành bởi hàng triệu, thậm chí là hàng tỷ sinh vật.

Đại dịch châu chấu và muỗi vằn tại Châu Phi

Những con châu chấu là kẻ phá hoại nguy hiểm nhất trong số các bầy côn trùng. Trung bình một đàn châu chấu có hàng tỷ con, chúng có thể tràn ngập trên một nửa lục địa. Chúng xâm chiếm một phần năm diện tích đất liền trên toàn thế giới, gây ảnh hưởng tới 1/10 dân số hành tinh và để lại cảnh chết đói cho người dân ở những nơi mà chúng bay qua. Nạn châu chấu là một trong 10 đại dịch tại Ai Cập được đề cập trong kinh thánh.

Các đàn châu chấu này có thể bay thành những đội hình hoàn hảo bằng cách giữ khoảng cách cố định được đặt ra giữa các cá thể - đó có thể là khoảng cách giữa các đỉnh cánh hoặc là khoảng cách giữa các chân, ngoài ra chũng cũng đồng bộ số lần đập cánh để giảm bớt sự hỗn loạn khi bay.

Ngoài ra, châu chấu còn có một bộ phận cực kỳ nhạy bén để đảm bảo không bị đâm vào nhau khi bay; đám lông mịn trên đầu của chúng để tránh va chạm và phản ứng kịp thời đối với những chướng ngại vật trên đường bay, tốc độ phản ứng này nhanh hơn gấp 6 lần so với phản ứng của một phi công xử lý sự cố.

Lượng thức ăn mà một con châu chấu ăn mỗi ngày tương đương với chính trọng lượng cơ thể chúng, như vậy một đàn châu chấu lớn có thể ăn hết 200.000 tấn lương thực đủ để nuôi sống nửa tỷ dân.

Tại châu Phi, mùa mưa cũng chính là mùa của những đàn muỗi lớn xuất hiện trên hồ Victoria. Sự xuất hiện của chúng là mối đe dọa lớn tới sự tồn vong của người địa phương. Đáp trả lại, cư dân tại đây bắt những đàn muỗi khổng lồ này bằng lưới rồi chuyển chúng thành những thực phẩm giàu dinh dưỡng với tên gọi bánh kẹp thịt muỗi. Thực phẩm này chứa nửa triệu con muỗi và có với hàm lượng protein cao gấp 7 lần so với một bánh kẹp thịt bò.

Giao phối rồi... chết và làm phiền con người

Thế sự liên kết tuyệt hảo của bầy của côn trùng cũng mang lại rắc rối không nhỏ. Tại các thành phố lớn, đô thị hóa làm xáo trộn đời sống của các loài côn trùng khiến chúng trở thành những vấn đề khó lường đối với loài người.

Mỹ là một ví dụ điển hình, trong vòng một đêm khi mặt nước đạt nhiệt độ 17 độ C, có hơn 20 triệu triệu ấu trùng phù du được sinh ra trong một đêm. Loài côn trùng này không phân biệt được sự khác nhau giữa ánh sáng trăng và đèn đường, chính vì thế thay vì lao về phía mặt trăng theo thói quen bẩm sinh, chúng lại đâm đầu vào cột đèn đường rồi chết. Đến sáng ra, người ta phải sử dụng tới những xe gạt tuyết dọn vệ sinh đường phố.

Một trường hợp khác là ve sầu. Chúng sống sâu trong lòng đất tại những khu vực rộng lớn của Bắc Mỹ và chỉ xuất hiện trên mặt đất để giao phối. Cứ 17 năm, chúng xuất hiện một lần trên mặt đất.

Có học thuyết cho rằng loài ve sầu làm điều này để trốn tránh những động vật ăn thịt và bảo tồn nòi giống. Sẽ không có bất cứ loài vật ăn thịt nào có thể chờ đợi lâu đến vậy để có được thức ăn là những thế hệ ve sầu tiếp theo. Do đó, cứ đến hẹn lại lên 10 tỷ con ve sầu đã xới tung cả mặt đất trong đêm.

Không chỉ vậy, việc bảo tồn nòi giống buộc chúng có liên quan tới những nghi lễ tán tỉnh ồn ào trong đêm hè. Bụng tất cả các con đực sẽ rung lên để thu hút sự chú ý của con cái. Những âm thanh này có thể đạt tới 100 độ decibel, gấp bốn lần tiếng động của một máy bay phản lực. Sau khi con cái và con đực gặp nhau, chúng sẽ giao phối và đẻ trứng trên vỏ cây. Công việc hoàn tất chúng sẽ rơi xuống đất và kết thúc vòng đời của mình. Sau đó người dân tại các khu vực ngoại ô sẽ phải thu dọn lượng lớn các xác chết này.

Bí ẩn mùi của ong chúa

Norman Gary, giáo sư côn trùng học tại California đã để ong bu khắp người mà không bị đốt. Bí quyết của chuyên gia hàng đầu thế giới về loài ong này là công thức chế chất pheronome của ong chúa.

Chất pheronome và những hiểu biết về thói quen của loài ong giúp Gary có thể làm cho toàn bộ đàn ong bu quanh người mình giống như đang mặc một bộ quần áo ong mà không hề bị đốt. Thực chất, những chú ong này nhầm tưởng ông chính là ong chúa nên rabao bọc khắp để che chở cho ông.

(Theo_Danong)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++