Cáp quang siêu mềm, có thể uốn được như cáp đồng

Tập đoàn Corning vừa tìm ra được một công nghệ mới cho phép chế tạo những loại cáp quang có độ mềm dẻo rất cao, có thể uốn lượn được qua những góc cực hẹp, giúp tăng cường các dịch vụ Internet tốc độ cao tại các tòa nhà cao tầng.

Hãng chế tạo cáp quang lớn nhất thế giới này hôm 21.7 cho biết, họ đã phát triển được một loại cáp quang mới có độ uốn cong cao hơn gấp 100 lần so với các loại cáp quang tiêu chuẩn hiện nay, giúp loại bỏ một rào cản lớn mà các công ty viễn thông thường gặp phải khi kéo các đường cáp quang về các hộ gia đình.

Chủ tịch Corning, ông Peter Volanakis nói: “Đây là một công nghệ sẽ làm thay đổi hoàn toàn các ứng dụng truyền thông. Chúng tôi đã phát triển một loại cáp quang bền chắc như cáp đồng nhưng lại có mọi ưu điểm về băng thông truyền dữ liệu như cáp quang thông thường”.

Đầu những năm 70 của thế kỷ XX, ba nhà khoa học của Corning đã phát minh ra loại cáp quang có độ suy hao tín hiệu thấp (low-loss). Những sợi thủy tinh siêu nguyên chất mỏng như tơ nhện này có khả năng truyền các tín hiệu thoại, video và dữ liệu với tốc độ ánh sáng. Chúng đã thay thế các sợi cáp đồng, trở thành trục xương sống của các mạng điện thoại và truyền hình cáp của nước Mỹ và đã góp phần to lớn cho sự tăng trưởng như vũ bão của mạng Internet.

Các sợi cáp quang hiện nay không thể truyền dẫn các tín hiệu ánh sáng khi chúng bị uốn qua các góc hẹp và len lỏi trong một tòa cao ốc, bởi vậy việc chạy cáp quang tới mọi gia đình và doanh nghiệp là một việc rất khó khăn và tốn kém. Công nghệ cáp quang siêu mềm dẻo mới của Corning sẽ cho phép uốn các sợi cáp này tại các góc mà hầu như không bị mất tín hiệu.

Corning cho biết, phát minh mới của họ sẽ cho phép các hãng viễn thông đưa dịch vụ Internet, thoại và TV độ nét cao tới hầu như mọi tòa nhà cao tầng.

Theo người phát ngôn của Corning, ông Dan Collins, trong một sợi cáp quang tiêu chuẩn, tín hiệu ánh sáng sẽ bị rò rỉ tại các điểm uốn hoặc ngoặt và “với hai lần ngoặt 90o, tín hiệu sẽ bị mất”. Ông nói: “Thiết kế mới của chúng tôi sử dụng các cấu trúc nano đóng vai trò như một chiếc gương hay một lan can, và khi sợi cáp bị uốn hay ngoặt, ánh sáng không bị thoát ra ngoài. Chúng tôi đã cuốn sợi cáp quanh một cái bút bi và nó vẫn hoạt động hiệu quả”.

Ông Michael Render, một nhà nghiên cứu thị trường ở Tulsa (Mỹ) cho rằng, sản phẩm mới của Corning “có thể sẽ giúp tạo một bước đột phá” trong việc đưa các hệ thống cáp quang tới các hộ gia đình”. Ông cho biết, hiện có hơn 1% số hộ gia đình ở Bắc Mỹ đang kết nối trực tiếp với các mạng cáp quang, nhưng rất nhiều trong số này là các hộ sống riêng biệt. Ông nói: “Rõ ràng là có một số dân rất lớn sống tại các khu chung cư, và việc tìm ra một phương pháp mới giúp đưa cáp quang tới từng hộ gia đình tại những nơi này sẽ là rất quan trọng”. Ông tin rằng, công nghệ này sẽ giúp việc đưa cáp quang tới “mọi hộ gia đình, hoặc ít nhất mọi tầng của mỗi chung cư” sẽ dễ dàng hơn, thay vì chỉ kéo tới tầng hầm của mỗi tòa nhà rồi sau đó sử dụng các đường cáp đồng hiện có để kết nối vào từng hộ gia đình.

Theo tính toán của Corning, hiện có khoảng 25 triệu hộ gia đình sống trong các tòa nhà cao tầng ở Mỹ và có hơn 680 triệu trên toàn thế giới. Trong thông cáo của mình, ông Volanakis nói: “Chi phí lắp đặt quá cao cũng như những khó khăn trong việc đưa cáp quang tới các hộ gia đình đã khiến cho thị trường này trở nên không hấp dẫn đối với hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ”.

(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++