Bốn mùa đều mắc bệnh cảm cúm, nhưng mùa đông - xuân thường mắc nhiều hơn vì hàn tà nhiều mà chính khí thường hư suy. Phong hàn gây cảm mạo; phong nhiệt gây cúm có thể biến chứng vào phổi, có thể lây lan phát triển thành dịch.
Y học cổ truyền cho rằng phế chủ bì mao, khai khiếu ở mũi, phụ trách việc hô hấp. Khi cơ thể suy yếu, sức đề kháng kém, việc bảo vệ cơ thể ở vòng ngoài của khí thái dương bị phá vỡ thì tà khí xâm nhập ngay vào kinh lạc, tạng phủ gây nên triệu chứng ớn lạnh, đau vùng cổ gáy, gai rét dọc sống lưng và hai chân, nhức đầu sổ mũi. Có thể chia 2 loại: cảm mạo phong hàn (cảm lạnh) và cảm mạo phong nhiệt.
Phòng cảm cúm
Rèn luyện nâng cao sức chống đỡ của cơ thể như đi bộ, tập thể dục, Thái cực quyền, Suối nguồn tươi trẻ, Hương công, Đạt ma dịch cân kinh (vẫy tay), Thiền dưỡng sinh...
Vệ sinh răng miệng, họng để hạn chế số vi khuẩn, virut thường trú ở khoang miệng. Sau khi ăn xong nên đánh răng súc miệng. Sáng tối súc miệng bằng nước muối.
Trời lạnh chú ý giữ ấm chân, cổ, ngực.
Tránh nhiễm lạnh đột ngột. Người già nên để bô đi tiểu đêm trong nhà. Nửa đêm, đi ra ngoài, khi mở cửa nên đứng nép một bên để tránh gió lạnh lùa mạnh làm co mạch đứng tim.
Khi đài, báo đưa tin có dịch cúm, dịch đường hô hấp cấp nhà nào cũng nên làm phép xông để phòng bệnh: Cứ mỗi mét vuông diện tích nhà ở thì dùng từ 5-10ml. Giấm ăn thêm lượng nước gấp đôi giấm đun nóng khoảng 2 tiếng đồng hồ. Hai ngày xông 1 lần trong 1 tuần để dự phòng cảm mạo.
Trị cảm cúm
Cảm phong hàn: Biểu hiện: sợ lạnh, phát sốt, không mồ hôi, đau đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho đờm trắng loãng, chân tay đau mỏi. Mạch phù.
Phép trị: Phát tán phong hàn. Dùng xoa bóp, day bấm huyệt:
- Xoa dầu gió hoặc nước gừng, rồi chà xát vùng trán, 2 bên thái dương. Xoa bóp vùng đầu, gáy, cổ, 2 bên vai dọc 2 cánh tay từ trên xuống các đầu ngón tay. Làm cho ấm, nóng lên.
- Bấm các huyệt: Giữa 2 đầu chân mày (ấn đường). Day 2 mỏm đầu xương cuối sống mũi (trị ngạt mũi, chảy nước mũi), phong trì, phong phủ, thiên trụ, kiên tỉnh, phế du.
- Ăn bát cháo giải cảm có gừng, hành, lá tía tô, hạt tiêu, lòng đỏ trứng gà. Đắp chăn nằm cho ra mồ hôi.
- Uống thuốc: Lá tía tô 15g, kinh giới 10g, hương nhu 10g, vỏ quýt 10g, cúc tần 10g, gừng tươi 3 lát. Đun sôi 15 phút. Uống nóng ngày 2 lần. Nhức đầu nhiều thêm mạn kinh 12g, bạch chỉ 8g.
- Cạo gió: Cắt quả chanh làm đôi, dùng nửa quả cạo dọc vùng lưng: giữa, và 2 bên lưng từ trên xuống đến xương cụt.
Cảm phong nhiệt (cúm): Biểu hiện: sốt cao, sợ gió, hơi đau đầu, có mồ hôi, đau đầu, ngạt mũi, họng ngứa đỏ đau, miệng khô, đờm vàng, rêu lưỡi mỏng. Mạch phù nhanh.
- Phép trị: tân lương, giải biểu: Cũng dùng phép xoa bóp đầu mặt cổ... Cạo gió. Ăn cháo giải cảm như trên.
- Day bấm các huyệt: Đại chùy, hợp cốc, ngoại quan, phong trì. Nếu ho thêm liệt khuyết. Nếu sốt cao thêm thiếu thương, khúc trì.
- Uống thuốc: Cỏ chỉ thiên 20g, lá cối xay 20g, cam thảo đất 10g, bạc hà 10g, gừng tươi 3 lát. Đun sôi 15 phút uống; hoặc kim ngân 16g, lá tre 16g, kinh giới 8g, bạc hà 8g, cam thảo đất 12g. Đun sôi 15 phút, uống.
Hoặc: kim ngân 10g, liên kiều 10g, cát cánh 6g, bạc hà 6g, cam thảo 4g, đậu xị 4g, hoa kinh giới 4g, ngưu bàng 4g. Đun sôi 15 phút, uống.
(Theo Y học Bốn phương)
Các tin mới hơn :
Các tin đã đưa :
tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung. tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền. Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia. Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com Mobile: 098 300 6168. Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++ |