Có thể chống ung thư não bằng văcxin

Những người bị glioma, loại ung thư não nguy hiểm nhất, có thể được điều trị bằng một loại văcxin có nguồn gốc từ những protein lấy từ chính khối u của người bệnh.

Những người bị glioma chỉ sống được khoảng 6 tháng rưỡi kể từ khi khối u hình thành. Biện pháp thường sử dụng nhất hiện nay là cắt bỏ khối u. Với loại văcxin mới, dạng ung thư não nguy hiểm nhất có thể trở thành một căn bệnh mãn tính chứ không gây chết người.

Một nhóm chuyên gia tại Đại học California (Mỹ) tiến hành nghiên cứu trên 6 người tình nguyện. Họ đều bị glioma và có độ tuổi trung bình là 60. Các nhà nghiên cứu tiến hành cắt bỏ những khối u của các tình nguyện viên. Nhưng thay vì vứt bỏ, họ gửi chúng tới công ty công nghệ sinh học Antigenics tại Massachusetts.

Các chuyên gia của Antigenics đã tách một loại protein có tên "heat shock" ra khỏi tế bào ung thư. Đây là loại protein giúp tế bào chống lại nhiệt độ cao từ môi trường bên ngoài. Ở những tế bào ung thư, loại protein này còn mang theo peptide - phân tử gây khối u.

Cứ 2 tuần một lần, mỗi bệnh nhân được tiêm protein "heat shock" lấy từ chính khối u não của họ. Công việc được tiến hành từ tháng 1 năm nay.

Một người đã tử vong sau 5 tháng điều trị. Tuy nhiên, 5 người còn lại hiện vẫn còn sống. Tính ra, họ đã sống được hơn một năm kể từ ngày bị chẩn đoán là ung thư, lâu hơn thời gian trung bình tới 6 tháng. Thậm chí người ta còn không phát hiện thấy bất kỳ khối u nào ở một người trong số đó.

Andrew Parsa, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng chính vacxin chế tạo từ protein trong khối u đã giúp 5 người kia sống sót.

Ông cho rằng vacxin giúp các phân tử peptide gây ung thư tiếp xúc với tế bào trên toàn bộ cơ thể. Sau khi phát hiện thấy sự tiếp xúc này, hệ miễn dịch đã tấn công các tế bào ung thư trong não. Những mẫu máu lấy từ các bệnh nhân cho thấy, văcxin đã tạo ra những tế bào miễn dịch với ung thư.

"Kết quả thú vị ở chỗ nó chứng minh rằng chúng ta có thể khiến hệ miễn dịch phản ứng với các phân tử peptide gây ung thư, điều chưa từng xảy ra trước đây", Parsa phát biểu.

Ông cũng nói thêm rằng cách tiêm protein lấy từ tế bào ung thư cũng có tác dụng đối với ung thư thận và ung thư da.

(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++