Người nuôi lợn quy mô lớn "ngán" nhất là mùi hôi chất thải trong chuồng. Nhưng với loại men vi sinh trộn chung với thức ăn được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu chế tạo, "vấn nạn" này không còn.
“Nghe tin ĐH Nông nghiệp I Hà Nội (ĐNHN I HN) phối hợp tổ chức tham quan mô hình "nuôi lợn không phân", tôi đăng ký tham gia ngay”. Anh Nguyễn Văn Phúc ở Đội 4, xã Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), chủ trại lợn đang thử nghiệm loại men khử hôi mùi kể.
Chuồng sạch, lợn lớn nhanh
Dù đầu tư tới 65 triệu đồng xây hầm biogas rộng 200m3 nhưng trại nuôi lợn của anh cũng chỉ xử lý được 50% chất thải. “Nhà gần trang trại, những ngày nắng nóng, hết tiếng lợn kêu đinh tai, lại mùi phế thải mà nhức hết đầu óc”, anh Phúc nói.
Trong mấy ngày tham quan mô hình, anh Phúc được tặng vài thùng men vi sinh dưới dạng “xách tay”. Được các nhà khoa học ở khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản, Trường ĐHNN I HN giúp đỡ, anh đã quyết tâm thử nghiệm.
Những ngày nóng nực nhất, chuồng heo của anh Phúc vẫn không bốc mùi hôi. Ảnh: Việt Tùng
Theo hướng dẫn, nền chuồng lợn khử mùi hôi phải được lót một lớp chất độn chuồng trộn mùn cưa dày khoảng 40cm. Nếu là nền xi-măng, cần đục một vài lỗ để vi sinh vật tiếp xúc với đất để tăng hiệu quả. Men được trộn theo tỷ lệ cứ ba gói (150gam/gói) trộn với 10kg bột ngô, rồi rải đều trên nền chuồng khoảng 20m2. Nhờ sử dụng men vi sinh, lợn khỏe mạnh và lớn nhanh hơn hẳn. Sau hai tháng thử nghiệm, trọng lượng lợn ở chuồng sử dụng men vi sinh đạt 20 - 23kg/con, còn ở chuồng thường chỉ đạt 17- 18kg/con.
Giờ đây, dù trời oi nồng, thế nhưng đứng giữa chuồng lợn của anh Phúc vẫn không thấy mùi hôi. Phân lợn được men vi sinh vật phân hủy tơi xốp như mùn cưa.
Tự sản xuất men vi sinh
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trạch, Trưởng khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản ĐHNN I HN cho biết, từ sự xuất hiện mô hình nuôi lợn không phân ở Trung Quốc, từ tháng 6/2009, "Dự án nghiên cứu và thử nghiện men vi sinh vật dùng trong chăn nuôi lợn” của Khoa đã được Cục Khuyến nông, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, hỗ trợ kinh phí 100 triệu đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lê, phụ trách khâu kỹ thuật cho biết: "Dự án đang được thử nghiệm ở ba điểm là Sóc Sơn, Hà Nội, Nghĩa Hưng, Nam Định và Văn Giang, Hải Dương." Theo tiến sĩ Tuyết Lê, men vi sinh của ĐHNN I HN đang phát huy tác dụng, khả năng khử mùi rất tốt. Tuy nhiên, để kiểm tra thời gian công dụng của men thì cần phải có thêm thời gian.
Chủ nhiệm dự án, tiến sĩ Bùi Quang cho biết, đến tháng 12/2009 sẽ tiến hành nghiệm thu đề tài nghiên cứu men khử mùi hôi phân lợn, nếu đạt sẽ tiến hành sản xuất hàng loạt.
Theo tính toán của tiến sĩ Tuyết Lê, giá thành của sản phẩm men vi sinh của ĐHNN I HN khi sản xuất sẽ thấp hơn sản phẩm nhập ngoại 8-10%. Ưu điểm của loại men là kích thích lợn tiêu hóa tốt, chóng lớn, ít mắc bệnh và có khả năng khử mùi ngay từ trong dạ dày lợn, tỷ lệ khử mùi đạt khoảng 80%.
Tiến sĩ Tuyết Lê cho biết, có hàng triệu tế bào vi sinh vật hữu ích trong mỗi gram men khử mùi. Khi được trộn với chất độn chuồng, cũng như ủ men trong bể biogas, các vi sinh vật hữu ích này sẽ ăn phân, phân hủy những chất hữu cơ trong phân lợn, trong đó có những chất hữu cơ gây nên mùi hôi thối của phân). Trong quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong phân lợn, lượng tế bào vi sinh vật ngày một tăng, vì vậy nó vẫn có tác dụng khử mùi khi đàn lợn lớn và thải ra nhiều phân hơn. |
(Theo Báo Đất Việt)
Các tin mới hơn :
Các tin đã đưa :
tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung. tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền. Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia. Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com Mobile: 098 300 6168. Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++ |